Cục Hải quan Bình Dương triển khai hải quan số, hải quan thông minh
Rút ngắn thời gian thông quan lô hàng nhập khẩu
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho hay, những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị luôn được triển khai đồng bộ, từ cải cách thủ tục hành chính, áp dụng dịch vụ công trực tuyến, đến kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, nhờ đó việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được đẩy nhanh.
Đến nay tại Bình Dương, tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đều được cơ quan hải quan tiếp nhận và xử lý thông suốt. Đơn vị luôn duy trì hiệu quả việc tiếp nhận giải quyết thủ tục trực tuyến, điều này đã tạo thuận lợi rất nhiều cho các doanh nghiệp trong việc cắt giảm thời gian và chi phí thông quan, tiến tới thủ tục hành chính phi giấy tờ.
Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn vị cũng luôn chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các chính sách quản lý quan trọng, đảm bảo phù hợp với tập quán thương mại thế giới và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, đồng thời cũng đảm bảo công tác quản lý nhà nước.
Với mục tiêu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã triển khai thực hiện thành công Hệ thống Quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực kho, bãi, cảng.
Cán bộ Cục Hải quan Bình Dương giám sát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua hệ thống máy soi container. Ảnh: Phi Vũ |
Nhờ triển khai VASSCM đã đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giảm thời gian giải phóng hàng, chi phí, giấy tờ, thời gian đi lại cho doanh nghiệp. Thông qua VASSCM, phía cơ quan hải quan cũng tăng cường năng lực quản lý và các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển cũng chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch khai thác, kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương, tổng hòa các giải pháp cải cách hiện đại hóa nêu trên, đến nay, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại Bình Dương đã đạt mục tiêu Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đề ra.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 23 Luật Hải quan năm 2014, thời gian thông quan chậm nhất là 8 giờ làm việc cho 1 lô hàng nhập khẩu. Hiện nay việc kiểm tra hàng hóa tại Bình Dương được thực hiện bằng máy soi hành lý, máy soi container, các thiết bị, công cụ hỗ trợ nên việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và thời gian được rút ngắn đáng kể.
Kết quả thời gian thông quan hàng nhập khẩu trung bình (từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai IDC/EDC đến khi công chức hải quan bắt đầu kiểm tra chi tiết hồ sơ) là hơn 3h 37 phút; đối với hàng xuất khẩu là hơn 1h 49 phút...
Quan tâm triển khai hải quan số, hải quan thông minh
Theo Cục Hải quan Bình Dương, ngày 4/5/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 707/QĐ-TCHQ phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, hệ thống công nghệ thông tin xây dựng mới phải đáp ứng yêu cầu hải quan số, các yêu cầu về an toàn, an ninh của hệ thống và phải ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan thông minh. Đồng thời quản lý toàn diện doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh từ khâu đầu đến khâu cuối; đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN để sẵn sàng kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp và các bên liên quan phục vụ quản lý nhà nước về hải quan.
Nắm bắt chủ trương của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về triển khai kế hoạch hải quan số, hải quan thông minh đến năm 2030, Cục Hải quan Bình Dương đang triển khai đồng bộ các nội dung công việc từ khâu tổ chức bộ máy đến xây dựng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển.
Cụ thể, đơn vị sẽ nghiên cứu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan thông minh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trong ngành gắn với vị trí việc làm; gắn công tác đào tạo với việc bố trí, sử dụng công chức, viên chức.