Cục Thuế Bình Định đưa hồ sơ nguy cơ trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên vào “tầm ngắm”
Hình thành và công khai cơ sở dữ liệu về giá chuyển nhượng bất động sản
Nguyên tắc “tiền phòng” là thực hiện phòng ngừa 4 nội dung: khai sai giá thực tế; rủi ro pháp lý cho công chức thuế; tiêu cực trong giải quyết hồ sơ; sự bức xúc của dư luận và truyền thông.
Theo đó, thực hiện phương châm 4 không: Không trả hồ sơ (đã phù hợp theo quy định), không điện thoại, không thông báo giải trình và không cảnh báo dưới mọi hình thức.
Nguyên tắc “hậu kiểm” là thực hiện rà soát, phân loại và áp dụng các nghiệp vụ kiểm tra, xác minh đối với các hồ sơ chuyển nhượng đã được giải quyết.
Cơ sở dữ liệu về giá chuyển nhượng bất động sản sẽ góp phần công khai, minh bạch về giá, chống thất thu ngân sách. Ảnh: TL. |
Về tổ chức thực hiện, sẽ hình thành và công khai cơ sở dữ liệu về giá chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, có cơ sở dữ liệu này, các chi cục thuế thu thập các giao dịch thành công trong thực tế (đã kê khai nộp thuế) hoặc giá trúng đấu giá, giá Nhà nước đền bù, giá lịch sử chuyển nhượng, giá công khai của các công ty môi giới/kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản… Cơ sở dữ liệu này phải được cập nhật thường xuyên theo thực tế phát sinh và công khai trên Cổng giao tiếp điện tử để phục vụ công tác hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng cho người nộp thuế trong việc khai trung thực giá chuyển nhượng bất động sản.
Ngoài ra, các phòng chức năng tại cục thuế tỉnh sẽ thiết kế quy trình giải quyết hồ sơ, đảm bảo ngắn gọn, súc tích và có tính thuyết phục người dân khai trung thực giá chuyển nhượng.
Để việc thực hiện thành công, đơn vị sẽ công khai thư ngỏ và quy trình tại trụ sở các tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng đăng ký đất đai, bộ phận một cửa cấp huyện, Trung tâm hành chính công để các bên có liên quan tham chiếu, thực hiện.
Đồng thời, cục thuế tỉnh sẽ phối hợp với các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền người dân, phổ biến chính sách pháp luật thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản để người nộp thuế nhận thức rõ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Đặc biệt là tuyên truyền những hệ lụy pháp lý của việc khai giá chuyển nhượng không trung thực đối với người mua, người bán và các tổ chức hành nghề công chứng.
Đưa hồ sơ nguy cơ trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên vào “tầm ngắm”
Cục Thuế Bình Định sẽ thực hiện phân loại hồ sơ đã giải quyết để tổ chức hậu kiểm. Triển khai các nghiệp vụ kiểm tra, xác minh đối với các hồ sơ có giá chuyển nhượng thấp hơn giá tham chiếu (cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế).
Cụ thể: Đối với các hồ sơ so với giá tham chiếu và tính ra số thuế thấp hơn 100 triệu đồng thì rà soát, thực hiện quy trình ấn định thuế theo quy định. Trong đó, đối với những đối tượng môi giới, “cò đất” cần đặc biệt lưu ý, rà soát, đối chiếu kỹ hồ sơ, hợp đồng… với các căn cứ pháp lý để tổ chức xác minh (với bên mua, bên bán) để làm rõ.
Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ nghiên cứu căn cứ ấn định thuế đối với các giao dịch này đảm bảo theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, để hướng dẫn thực hiện trong toàn ngành.
Đối với các hồ sơ tiềm ẩn nguy cơ trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên, sẽ thu thập tài liệu, hồ sơ để chuyển cơ quan chức năng điều tra, xác minh theo Quy chế chuyển tin báo tội phạm ban hành kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TCT ngày 7/4/2022 của Tổng cục Thuế.
Để triển khai có hiệu quả, cục thuế tỉnh giao các chi cục thuế quán triệt công chức giải quyết hồ sơ thực hiện nghiêm nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm” nêu trên.
Trường hợp để xảy ra tình trạng chậm giải quyết hồ sơ cho người dân, tiêu cực trong nội bộ, dư luận xấu…, chi cục trưởng phải chịu hoàn trách nhiệm trước cục trưởng và pháp luật.
Trên thực tế, chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản gặp không ít khó khăn. Việc sớm triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên của Cục Thuế Bình Định cho thấy quyết tâm rất lớn của đơn vị, nhằm thực hiện kịp thời các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.
Trước đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã có Công điện gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo toàn ngành thuế tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Tổng cục Thuế chỉ đạo, thay vì trả lại hồ sơ, sẽ kiểm tra sau với những hồ sơ nghi ngờ trốn thuế.
Về lâu dài, Bộ Tài chính kiến nghị cấp có thẩm quyền trong thời gian tới thực hiện một số giải pháp như: Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ; cấp thẩm quyền cần bổ sung quy định giao dịch chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng để minh bạch trong kiểm soát giao dịch của các ngành, phục vụ công tác quản lý giao dịch tài sản, bất động sản của các chủ thể trong xã hội…/.