Doanh nghiệp chủ động bảo vệ trước các hành vi gian lận về hóa đơn
PV: Hóa đơn điện tử (HĐĐT) được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Song, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, một số đối tượng đã thành lập doanh nghiệp (DN) chỉ để mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gian lận hóa đơn để trục lợi. Ông đánh giá ra sao về mối nguy hại từ những việc làm nêu trên?
PGS.TS Lê Xuân Trường |
PGS.TS Lê Xuân Trường: Hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp và các hành vi gian lận khác về hóa đơn gây ra nhiều hậu quả xấu cho cả Nhà nước, cộng đồng DN và cơ quan quản lý thuế. Trước hết, khi các hành vi gian lận chưa được phát hiện và xử lý thì làm thất thu thuế. Các hành vi gian lận về hóa đơn có thể gây tâm lý hoang mang cho những người kinh doanh chân chính, lo lắng không biết hóa đơn nhận được khi mua hàng hóa, dịch vụ có phải là hóa đơn hợp pháp không.
Đặc biệt, các hành vi gian lận về hóa đơn cũng làm méo mó môi trường kinh doanh, gây bất lợi cho những DN kinh doanh tuân thủ nghiêm túc pháp luật thuế. Về phía các DN gian lận hóa đơn, khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Cần lưu ý rằng, mọi hành vi gian lận, dù có tinh vi đến mấy, sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện xử lý.
PV: Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành công điện chỉ đạo Tổng cục Thuế, cục thuế các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng HĐĐT, ông đánh giá ra sao về động thái này của Bộ Tài chính?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Bằng công điện nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao và quan tâm rất sâu sát đến những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Từ những định hướng lớn chỉ ra trong công điện, Tổng cục Thuế và các cơ quan thuế địa phương sẽ có các biện pháp nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hóa đơn nói chung và phòng, chống gian lận về hóa đơn nói riêng, đặc biệt là tình trạng bán HĐĐT khống hoặc HĐĐT giả.
PV: Mặc dù ngành Thuế đã phối hợp với cơ quan công an triển khai nhiều giải pháp nhằm phát hiện, xử lý vấn nạn mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để. Vậy theo ông, ngành Thuế cần có giải pháp gì tiếp theo để quản lý, xử lý triệt để vấn đề này, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Sẽ cần tổng hợp nhiều giải pháp để xử lý vấn đề này, cả về công tác tuyên truyền; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác ứng dụng công nghệ thông tin… Qua nghiên cứu quy định cũng như các thông tin hiện có, theo quan điểm của tôi, cơ quan thuế có thể nghiên cứu áp dụng một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền để DN và người dân hiểu đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý hóa đơn; cần làm cho người dân và DN hiểu những hậu quả pháp lý khi vi phạm các quy định về quản lý hóa đơn; về các hành vi bị cấm cũng như các chế tài xử lý trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự.
Sử dụng hóa đơn điện tử đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân. |
Hai là, cần áp dụng công nghệ hiện đại và quản lý rủi ro vào quản lý hóa đơn. Theo đó, cơ quan thuế các cấp cần thực hiện lập danh sách người nộp thuế (NNT) có dấu hiệu rủi ro, thực hiện việc rà soát, đối chiếu với thực tế quản lý thuế tại địa phương; tập trung vào những NNT có rủi ro cao để giám sát trọng điểm, tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra thuế và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cơ quan thuế các địa phương cũng cần thực hiện rà soát các thông tin có nội dung rao bán HĐĐT bất hợp pháp tại các nền tảng không gian mạng. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép HĐĐT tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc của HĐĐT rao bán và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, trường hợp qua thanh tra, kiểm tra hóa đơn xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện thu thập tài liệu, củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý, xác minh các dấu hiệu rủi ro và đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật, chuyển đến cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Bốn là, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đối với đội ngũ công chức trong ngành Thuế nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý thuế, kỹ năng thanh tra, kiểm tra hóa đơn, kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn, hành vi gian lận mới về hóa đơn của các tổ chức, cá nhân mua, bán hóa đơn không hợp pháp, sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa nguyên liệu, hàng hóa.
PV: Việc ngăn chặn vấn nạn mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, không chỉ riêng trách nhiệm của cơ quan thuế, theo ông, DN làm ăn chân chính cần làm gì để tránh rủi ro từ hóa đơn bất hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín của DN?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Để tự bảo vệ mình khỏi các đối tượng gian lận về hóa đơn, khi mua bán hàng hóa, dịch vụ với những đối tác mới, DN cần vào website của Tổng cục Thuế để kiểm tra thông tin về NNT xem DN bán hàng có đang hoạt động bình thường ở địa chỉ kinh doanh hay không. Đồng thời, DN cần kiểm tra thông tin xem DN bán hàng có thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký sử dụng HĐĐT theo quy định của pháp luật hay không.
Đặc biệt, DN cần cảnh giác các trường hợp cung cấp hàng hóa, dịch vụ với giá quá rẻ so với giá thị trường, vì nhiều khả năng đó là hàng lậu của một chuỗi DN gian lận về thuế và hóa đơn. DN cũng nên chủ động đề nghị cơ quan thuế hỗ trợ kiểm tra thông tin về hóa đơn và thông báo cho cơ quan thuế khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hóa đơn.
PV: Xin cảm ơn ông!