Đối thoại, gỡ vướng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân
Hội nghị thu hút 530 doanh nghiệp khu vực phía Bắc tham dự.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, tiếp nối truyền thốngluôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, trong 3 năm 2021-2023 và tính đến thời điểm hiện tại của năm 2024, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, VCCI, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan điều hành hội nghị. |
Quy mô hỗ trợ của các giải pháp này là khoảng 191 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng).
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đánh giá, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế. Việc ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực chung về phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua cũng như trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, tính đến ngày 15/11/2024, Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố. Số doanh nghiệp đang kinh doanh sử dụng khai thuế qua mạng của toàn quốc đạt 99,93% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn cả nước. Tổng số doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử trên toàn quốc đạt tỷ lệ 98,57%. Tỷ lệ doanh nghiệp, tổ chức nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử đạt 97%.
Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM), góp phần đơn giản hoá thủ tục đưa hàng hoá khỏi kho, bãi, cảng, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại của người dân, khắc phục tình trạng ùn tắc tại cảng, kho, bãi.
Nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, đến nay, đã có trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS).
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.
Trước mắt Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; đồng thời triển khai thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) ngày 26/11/2024 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật (bao gồm Luật Quản lý thuế và Luật Thuế thu nhập cá nhân) ngày 29/11/2024 vừa được Quốc hội thông qua.
Ngành Tài chính cải cách hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, mặc dù năm 2024 trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận các cơ quan nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời khắc phục những khó khăn, củng cố niềm tin và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đóng góp vào thành công trên của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản sửa đổi phù hợp về thuế, quy trình thủ tục, tham mưu ban hành các chính sách kịp thời về miễn, giảm, gia hạn về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội vừa qua, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế hợp tác doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan.
Bộ Tài chính cũng đã chủ động thực hiện những bước tiến lớn trong công tác cải cách hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực, được người dân, doanh nghiệp và tổ chức đánh giá cao, luôn là cơ quan liên tục đi đầu về đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chủ tịch VCCI đánh giá, nhiều năm liền, Bộ Tài chính liên tục nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu bảng xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Phạm Tấn Công cho biết, trong quá trình chuẩn bị Hội nghị này và các hội nghị theo các quy mô, hình thức khác nhau, VCCI đã nhận được nhiều ý kiến, đánh giá tích cực của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về ngành thuế và hải quan khi áp dụng các quy định mới phù hợp với doanh nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, giúp doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế nhanh hơn, thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn./.