Gỡ nút thắt lệch pha cung - cầu thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh
Lệch pha cung cầu và gia tăng nhà ở vừa túi tiền cho người có thu nhập thấp
Liên quan đế tình trạng bất cân xứng nguồn cung của thị trường bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh, ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Group, khẳng định, tình trạng này đã được DKRA Group đề cập khá nhiều trong các báo cáo thời gian gần đây. Điển hình là phân khúc căn hộ hạng A có mức giá từ 60 triệu đồng/m2 (bao gồm VAT) liên tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nguồn cung mới, dao động từ 50% - 60% giai đoạn 2019 - 2021, chiếm 3/4 tổng nguồn cung mở bán trong 9 tháng đầu năm 2022.
Trên thực tế, giá đất và các chi phí đầu vào (chi phí xây dựng, chi phí nhân công, chi phí vốn, tiền sử dụng đất…) liên tục tăng cao như hiện nay, việc phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền/nhà ở xã hội đã không còn khả thi và hấp dẫn đơn vị phát triển dự án/chủ đầu tư.
Mặt khác, việc thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ góc độ quản lý nhà nước và các chủ doanh nghiệp, như Vingroup, Sun Group, Him Lam, Bitexco, Masterise… cũng đã cam kết tham gia phát triển khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.
Để giải quyết vấn đề lệch pha cung cầu và gia tăng nhà ở vừa túi tiền cho người có thu nhập thấp, theo ông Thắng cần có 5 giải pháp. Đó là triển khai chương trình nhà ở quốc gia mang tính dài hơi và đồng bộ; đẩy nhanh sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và bổ sung quỹ đất; xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến xét duyệt đối tượng mua, nguồn vốn vay ưu đãi; rút ngắn quy trình thủ tục cấp phép dự án; xây dựng nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp và người mua với lãi suất phù hợp…
Cần có cơ chế, chính sách rõ ràng
Trong khi đó, theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), hiện tại thị trường BĐS có những chuyển biến ngày càng minh bạch, phát triển khi có những cơ chế, chính sách rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn có sự “lệch pha”, thiếu an toàn, thiếu ổn định do có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 cùng các văn bản dưới luật… dẫn đến nhiều dự án vướng mắc về quy định pháp luật, thủ tục hành chính, nên nguồn cung thị trường BĐS thời gian qua không đáp ứng được nhu cầu… kéo giá nhà, đất, căn hộ tăng cao.
Ngoài ra, quy định của các tổ chức tín dụng về việc vay để đầu tư BĐS đang siết lại, trái phiếu cũng có các quy định mới… dẫn đến việc huy động vốn từ khách hàng nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, HoREA đã có những đề xuất cụ thể tới Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để gỡ vướng trong việc thiếu hụt nguồn cung BĐS trong thời gian qua.
“Năm nay và năm tới được coi là cơ hội vàng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo những vấn đề trên bởi Nghị quyết 18-NQ/TW sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao… do Ban Chấp hành Trung ương ban hành; đồng thời việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan đang được Quốc hội xem xét, một khi được thực thi sẽ tháo gỡ vướng mắc nguồn cung BĐS” - ông Lê Hoàng Châu nói.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đều bày tỏ sự kỳ vọng thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng trong năm 2023, thị trường có ít điểm sáng. Cụ thể, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, trong vòng một năm tới, thị trường BĐS cả nước và TP. Hồ Chí Minh sẽ khó có sự chuyển biến tích cực mang tính đột phá. Bởi một nguyên nhân lớn khiến thị trường ảm đạm hiện nay là vướng mắc về pháp lý, mà vấn đề này thì một năm chưa đủ thời gian để thay đổi căn bản. |