Hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi Quốc hội khoá XV cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 4
Ảnh: TL |
Trong các ngày từ 21-23/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà họp cùng lãnh đạo chủ chốt các đơn vị để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi Quốc hội khoá XV cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 4 đồng thời xây dựng kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật.
Tại các cuộc họp, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia tập trung phân tích, làm rõ những ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội trong các phiên họp tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV.
Với việc Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng; thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý khác có liên quan đến đất đai. Bên cạnh việc hoàn thiện các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan chuyên môn xây dựng các kế hoạch để tổ chức lấy ý kiến nhân dân cũng như các tổ chức, chuyên gia để bổ sung cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng nên lấy ý kiến rộng rãi nhân dân tập trung vào những chủ trương mới, chính sách mới, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân để tổng hợp trình Quốc hội xem xét. “Với những vấn đề mà còn nhiều phương án khác nhau, còn phân vân từ các cơ quan của Chính phủ, của Đại biểu Quốc hội thì ý kiến đóng góp của nhân dân sẽ là giải pháp tốt để tổng hợp, xem xét đưa vào Luật” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Việc nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp từ các Đại biểu Quốc hội và lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân sẽ giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành sớm dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế,... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
Luật Đất đai (sửa đổi) xây dựng trên quan điểm: Đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa của hệ thống pháp luật đất đai; thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai. Đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tổng thể, chiến lược, lâu dài của hệ thống pháp luật; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng và không gian sử dụng. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững. Hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất. |