HoREA: Cấp tín dụng chính là “máy trợ thở ô-xy” cho doanh nghiệp
Kiến nghị tiếp "ô-xy" dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn thông qua hoạt động khoanh nợ, giảm lãi suất. HoREA cho rằng, cộng đồng các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản rất hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN và được sự hưởng ứng của các ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kiến nghị tiếp ‘ô - xy’ dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Nguyễn |
Tuy nhiên trên thực tế, HoREA nhận thấy, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vẫn coi hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nên chưa xem xét giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng, thậm chí kể cả việc vay tín dụng tiêu dùng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà cũng chưa được xem xét giải quyết.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, đối với các doanh nghiệp thì “dòng tiền” là “ô-xy” của doanh nghiệp và việc được ngân hàng thương mại quan tâm xem xét tiếp tục cấp tín dụng chính là “máy trợ thở ô-xy” cho doanh nghiệp”.
Do vậy, hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ “xấu hơn” cho các khách hàng và quan trọng nhất là xem xét cho doanh nghiệp bất động sản, người vay tín dụng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà đủ điều kiện thì được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới.
Giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo ông Lê Hoàng Châu, ngành bất động sản đang đảm nhận hai vai trò vừa là đầu kéo, vừa là lực đẩy của nền kinh tế. Bất động sản đang đóng góp khoảng 11% GDP và có tác động đến hơn 200 ngành nghề khác nhau. Một dự án bất động sản khi phát triển tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, chưa kể các đóng góp thay đổi về môi trường sống, chất lượng sống cho người dân, đóng góp nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước mà không được thừa nhận và hỗ trợ là không ổn.
“Ước quy mô ngành bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030 có thể lên đến 22% so với tổng tài sản toàn nền kinh tế. Theo đó, sự phát triển của ngành bất động sản sẽ tác động trực tiếp đến GDP. Trong trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10% sẽ kéo theo GDP giảm tương ứng” – ông Châu nhận định thêm.
Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch HĐQT Công ty CP bất động sản BHS, trong tổng số các doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động hiện nay, nhóm doanh nghiệp môi giới chiếm 60 - 70% và đa số là những doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hoạt động dựa trên việc phân phối sản phẩm do chủ đầu tư cung ứng ra.
“Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp bất động sản chịu rất nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là những doanh nghiệp vay nhiều. Mấu chốt để tháo gỡ khó khăn thời điểm hiện tại là kiểm soát dịch bệnh thông qua tiêm vắc-xin và các biện pháp kèm theo, trong đó có giải tiếp tục cấp tín dụng cho doanh nghiệp” – ông Tuyển cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết. Các ngân hàng cần xem xét giảm thêm lãi suất, giãn, hoãn nợ để doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì hoạt động kinh doanh cũng như phát triển dự án để qua đó gián tiếp giảm thiểu con số nợ xấu đến từ ngành bất động sản trong tương lai gần.
Ông Tuyển nhấn mạnh, nếu không kịp thời cứu những doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp sẽ khó trụ lại trên thị trường và khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường hoạt động bình thường trở lại, việc thiếu vắng lực lượng môi giới sẽ tạo ra một “cuộc khủng hoảng kết nối cung - cầu”./.