Kê" toa thuốc mạnh" trị "bệnh" chậm giải ngân vốn đầu tư công
Đều trong tình trạng ì ạch
Theo tổng hợp, báo cáo từ Bộ Tài chính, hết tháng 5/2022, ngoài 5 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 30% kế hoạch vốn được giao, còn lại đều trong tình trạng chung là “ì ạch”. Có một số bộ, cơ quan trung ương mặc dù đã “thoát” khỏi danh sách chưa thực hiện giải ngân, nhưng tỷ lệ giải ngân mới đang ở cấp độ “nhúc nhích”. Đơn cử như Văn phòng Quốc hội mới giải ngân được 0,31%; Bộ Y tế mới giải ngân được 0,71%; Viện Khoa học công nghệ Việt Nam 1%; Hội Nhà báo Việt Nam 2,45%; Ban Quản lý khu công nghệ cao Hoà Lạc 2,5%; Hội Luật gia 3,49%...
6 tổ công tác của Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vừa kết thúc các cuộc kiểm tra trực tiếp tới các bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước để nắm bắt tình hình.
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Thế Dương |
Tổng hợp báo cáo từ 6 tổ công tác cho thấy, nguyên nhân làm tiến độ giải ngân bị chậm là do tại nhiều địa phương có các dự án nhóm A phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Nhiều dự án có quy mô lớn, có tính chất liên kết vùng nên phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan làm kéo dài phê duyệt dự án và giải ngân các dự án.
Ví dụ, cụ thể, tỉnh Hà Nam hiện có dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công năm 2019 chưa có quy định đối với các dự án đang thực hiện thì cấp nào sẽ thực hiện điều chỉnh chủ trương nên đã dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.
Tại Bắc Ninh, có dự án cầu Kênh Vàng kết nối 2 tỉnh Bắc Ninh - Hải Dương là dự án có quy mô liên kết vùng thuộc thẩm quyền, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải nhưng trước khi triển khai phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thỏa thuận, cấp phép theo quy định của Luật Đê điều...
"Kê toa thuốc mạnh"
Có thể thấy, chưa lúc nào việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh như hiện nay, nhất là khi nước ta vừa trải qua 2 năm dịch bệnh. Cùng với đó là lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 rất lớn, trên 700.000 tỷ đồng, tăng 200.000 tỷ đồng so với những năm trước. Vì thế, giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư giúp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng Luật Đầu tư công là việc làm cấp thiết của cả hệ thống chính trị. Và để trị “căn bệnh” chậm giải ngân, thì rất cần 1 “toa thuốc mạnh”.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, việc chậm giải ngân phần lớn là do năng lực của bộ máy từ cơ quan quản lý, chủ đầu tư đến nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Vì vậy đây là yếu tố cần được cải thiện trong thời gian tới. “Do đó, Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức gây đình trệ, chậm giải ngân” - ông Long nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cùng một cơ chế, chính sách, cùng một thời gian, nhưng có địa phương đã giải ngân rất tốt, như Lâm Đồng hiện nay đã giải ngân được gần 50% kế hoạch vốn, Bình Thuận giải ngân được 42%. Ngược lại, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Hà Tĩnh… mới chỉ giải ngân được trên 7%. Do đó, để đưa toàn bộ lượng vốn đầu tư công năm 2022 vào nền kinh tế, các bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm cần kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới. Đối với các dự án 6 tháng chưa giải ngân thì kiên quyết cắt giảm.
Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, với vai trò là cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tuyệt đối không hách dịch, sách nhiễu trong giải quyết công việc; không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào mà không rõ lý do. Đồng thời, KBNN cũng nghiêm cấm cán bộ, công chức lợi dụng vị trí công việc được giao để mưu lợi cá nhân, làm chậm quá trình chi ngân sách nhà nước, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
Đặc biệt, ngoài việc đẩy mạnh giao dịch và kiểm soát các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến đảm bảo nhanh, chính xác, KBNN đã linh hoạt trong công tác kiểm soát chi nguồn vốn đầu tư với hai cơ chế là: “Kiểm soát trước, thanh toán sau” và “Thanh toán trước, kiểm soát sau”. Đồng thời, KBNN rút ngắn thời gian thanh toán vốn từ 4 ngày xuống còn 1 ngày với khoản tạm ứng và 80% khoản thanh toán khối lượng hoàn thành.
Đối với các khoản thanh toán còn lại, KBNN quy định tối đa không quá 3 ngày làm việc. Đây là bước cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công nói chung và KBNN nói riêng.
Không những thế, các đơn vị KBNN đều dựa trên thực tế tại địa phương mình để tham mưu với các cấp lãnh đạo tỉnh, thành phố những giải pháp giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.