Không để lãng phí, thất thoái tài sản công
Hành lang pháp lý đã tương đối đầy đủ
Đánh giá về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2021, báo cáo từ Cục Quản lý công sản- Bộ Tài chính cho biết, hiện đã hình thành được hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ để thực hiện công tác này.
Công tác quản lý, sử dụng tài sản công trên cả nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, theo đó, việc thất thoát, lãng phí tài sản công đã bị đẩy lùi. Ảnh TL minh họa
|
Theo đó, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đã xác lập rõ đối tượng được giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại tài sản công gắn với quyền và nghĩa vụ của tập thể và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đồng bộ gắn với trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn định mức trong toàn bộ quá trình quản lý; nâng cao tính công khai trong quản lý, sử dụng tài sản công; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để từng bước nắm chắc, nắm đầy đủ hiện trạng và tình hình biến động của tài sản…
Bên cạnh đó, cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công cũng được tạo ra để phù hợp trình độ phát triển kinh tế xã hội, tính chất quản lý, sử dụng tài sản công, năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Quy định về phân cấp quản lý tài sản công được thực hiện xuyên suốt từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đến nay theo nguyên tắc tài sản do cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định việc đầu tư, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản. Việc phân định thẩm quyền quyết định cụ thể trong nội bộ bộ, ngành, địa phương do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND và UBND cấp tỉnh quyết định. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quyết định các nội dung liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.
Đáng chú ý, công tác quản lý, sử dụng tài sản công từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nói chung và năm 2021 nói riêng đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện; nhận thức và thực tiễn thực hiện có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Đã sắp xếp lại, xử lý đối với 29.564 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương
Trong năm 2021, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý. Theo đó, đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1.402 cơ sở nhà, đất; phê duyệt điều chỉnh phương án xử lý đối với 149 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/11/2021, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 29.564 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương.
|
Hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công
Phát huy các kết quả đã đạt được, bước sang năm 2022, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tiếp tục đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để công tác quản lý, sử dụng tài sản công ngày càng đi vào thực chất, giúp khai thác nguồn lực từ chính những tài sản này.
Theo đó, Cục Quản lý công sản sẽ tổ chức đánh giá việc triển khai các văn bản quy định chi tiết thi hành để báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện bảo đảm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn định mức sử dụng xe ô tô, sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết.
Đẩy mạnh việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tài sản công, ưu tiên sắp xếp nhà đất của các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc danh mục cổ phần hóa. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm (nếu có) trong tổ chức xử lý tài sản công là nhà, đất.
Nắm sát tình hình diễn biến dịch Covid-19 để kịp thời tham mưu các giải pháp giãn, hoãn, miễn, giảm tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện Đề án phục hồi và phát triển kinh tế; hướng dẫn xử lý các vấn đề về trưng mua, trưng dụng tài sản, tiếp nhận tài sản cho tặng để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đặc biệt để hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công, Cục Quản lý công sản vừa thực hiện xong dự án “Nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công” để từng bước mở rộng phạm vi tài sản công được cập nhật, quản lý trên Cơ sở dữ liệu. Đây cũng là dự án đáp ứng yêu cầu của công tác kế toán tài sản công, giúp các bộ, ngành, địa phương nắm chắc nguồn lực của Nhà nước để có kế hoạch tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công hiệu quả, phục vụ công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Do đó, trong năm 2022, Cơ sở Dữ liệu quốc gia về tài sản công sẽ được đưa vào vận hành để từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin về tài sản công phục vụ công tác báo cáo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có tài sản.
Ngoài ra, một nhiệm vụ được Cục Quản lý công sản hết sức chú trọng đó, là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công; thanh tra việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Thêm vào đó, Cục Quản lý công sản cũng đặt ra nhiệm vụ kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý tài sản công các cấp và tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên trong việc quản lý, sử dụng tài sản công nhằm nâng cao nhận thức, trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật cho các cơ quan quản lý nhà nước về tài sản công, các cơ quan thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với tài sản công, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp được giao quản lý, sử dụng tài sản công./.