Kích cầu hỗ trợ kinh tế phục hồi
Mặt bằng giá sẽ bớt tăng đột biến khi cung tiền tệ cao
Trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% cho doanh nghiệp theo chương trình hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, TS. Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, đây là một chính sách rất hay, hỗ trợ cả cung và cầu. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện giảm chi phí đầu vào, đầu ra cũng sẽ “dễ thở” hơn, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm mở rộng sản xuất kinh doanh.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tác động gián tiếp đến tiêu dùng. |
Với người dân, thuế GTGT là thuế gián thu nên việc giảm thuế này sẽ tác động gián tiếp đến tiêu dùng, làm cho mặt bằng giá cả tiêu dùng nói chung giảm, hỗ trợ tốt cho chi tiêu của người dân trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Tùy mặt hàng được giảm thuế sẽ có tác động nhiều hay ít nhưng nói chung hỗ trợ này sẽ khuyến khích, thúc đẩy cầu của người dân và làm cho cầu hàng hóa tăng lên.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Hiến cũng cho rằng, khi thực hiện gói 350.000 tỷ đồng hỗ trợ kinh tế phục hồi và tăng trưởng thì việc mở rộng tài khóa và tiền tệ có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát do cung tiền tệ tăng lên. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, lạm phát đang là một xu thế trên thế giới, rất dễ dẫn đến câu chuyện nhập khẩu lạm phát nên áp lực lạm phát đối với Việt Nam cũng rất lớn. Với những áp lực trên, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp mặt bằng giá bớt tăng đột biến do cung tiền tệ tăng lên. Đó cũng là một trong những giải pháp để kiềm chế lạm phát ở Việt Nam.
Duy trì chính sách nới lỏng hay thắt chặt tiền tệ?
Phân tích thêm xung quanh áp lực lạm phát, TS. Nguyễn Văn Hiến nhận định, các nước trên thế giới hiện đang có xu hướng tăng lạm phát rõ rệt, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU. Áp lực lạm phát lớn và tiền mất giá liên tục bắt buộc các nước phải thắt chặt tiền tệ cũng như tài khóa để đảm bảo kiềm chế lạm phát. Ở Việt Nam, chiều hướng hơi ngược lại khi chúng ta mở rộng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi với chương trình phục hồi trị giá 350.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, thực tế trong thời gian qua, trước và sau đại dịch, tốc độ lạm phát tại Việt Nam chưa cao, chưa có ảnh hưởng nhiều tới chỉ số, đến đời sống sản xuất, xã hội nên việc mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ, Việt Nam vẫn còn dư địa. “Tuy nhiên, phải luôn luôn cảnh giác về vấn đề lạm phát, bởi vì nếu mở rộng ra quá thì có thể sẽ làm tác động đến tâm lý của người dân, ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng giá, làm tăng mặt bằng giá lên và lập tức phát sinh tình trạng lạm phát. Đó là điều rất nguy hiểm” – TS. Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về quan điểm của chuyên gia trong việc điều hành tiền tệ nên thắt chặt hay nới lỏng trong năm 2022, TS. Nguyễn Văn Hiến cho biết, hiện tại, dư địa về chính sách tiền tệ tại Việt Nam là ít, không còn nhiều khả năng mở rộng tiền tệ. Khi các doanh nghiệp bước vào giai đoạn phục hồi, thực hiện mở rộng sản xuất thì đương nhiên nhu cầu về vốn với nền kinh tế sẽ rất lớn. Nhu cầu vốn lớn thì tăng trưởng tín dụng sẽ cao khiến cho lãi suất đầu vào, lãi suất huy động sẽ tăng lên. Điều đó là khó tránh khỏi, nên việc hy vọng giảm lãi suất cho vay sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên vị chuyên gia này cho rằng, cũng cần chấp nhận ở một chừng mực nào đó, việc lãi suất cho vay sẽ tăng hơn kỳ vọng. Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, hiện tại chúng ta phải thực hiện cùng lúc 2 mục tiêu là vừa mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng phải kiềm chế lạm phát. Ông cho rằng, hai mục tiêu này có thể là 2 gánh ngược chiều nhau, nên đòi hỏi sự điều hành chính sách vĩ mô, cụ thể là tài khóa và tiền tệ phải linh hoạt để hài hòa được 2 chính sách này. Qua đó, góp phần tác động không làm tăng quá mức lạm phát như trong mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đưa ra./.