Phân loại hóa chất để áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng
Tổng cục Hải quan cho biết, theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 94/2023/NĐ-CP về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa sau: viễn thông, công nghệ thông tin, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất; sản phẩm hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Mã số HS ở cột (10) phụ lục I, cột (10) phần A và cột (4) phần B phụ lục III chỉ để tra cứu. Việc xác định mã số HS đối với hàng hóa thực tế nhập khẩu thực hiện theo quy định về phân loại hàng hóa tại Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Hải quan.
Theo đó, các mặt hàng không được giảm thuế giá trị gia tăng được quy định cụ thể tại phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 94/2023/NĐ-CP.
Tổng cục Hải quan cho rằng, đối chiếu với các quy định hiện hành, “hóa chất cơ bản” không thuộc hàng hóa bị loại trừ không được giảm thuế giá trị gia tăng và không được quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 94/2023/NĐ-CP.
Trường hợp hàng hóa của công ty được xác định là hóa chất cơ bản thì thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định, áp dụng thuế suất là 8%. Tuy nhiên, nếu hàng hóa được xác định là sản phẩm hóa chất thì không thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng và áp dụng thuế suất là 10%.
Ngoài ra, Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 quy định Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất. Trường hợp doanh nghiệp có vướng mắc trong việc xác định hàng hóa là hóa chất cơ bản hay sản phẩm hóa chất để kê khai thuế giá trị gia tăng. Tổng cục Hải quan đề nghị doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với Bộ Công thương để được giải đáp./.