Kích hoạt gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng thúc đẩy tăng trưởng ngành lâm, thủy sản
Gói tín dụng có quy mô khoảng 15 nghìn tỷ đồng, thực hiện đến 30/6/2024. ảnh: TL |
Tăng quy mô so với kế hoạch
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Theo đó, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Quy mô tín dụng của Chương trình khoảng 15.000 tỷ đồng, cao hơn quy mô dự kiến đặt ra trước đó cho gói tín dụng này (trước dự định là 10.000 tỷ đồng).
Đến nay đã có 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình. Các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Như vậy, gói tín dụng này tiếp tục tiếp thêm năng lượng cùng với các gói tín dụng ưu đãi đang triển khai kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng tốt hơn với chi phí lãi suất hợp lý. Hiện tại, một số gói tín dụng ưu đãi đáng chú ý là gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Đây là Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ (Về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững).
Đối tượng vay vốn là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Ngoài ra, một gói tín dụng ưu đãi nữa vẫn còn trong thời gian triển khai là gói hỗ trợ 2%, tương ứng 40 nghìn tỷ đồng. Chương trình này vẫn đang tiếp tục được triển khai cho đến hết năm 2023.
Kỳ vọng giảm lãi suất
Tính chất của Chương trình tín dụng cho lâm, thủy sản có mức lãi suất bình quân giảm khoảng 1-2%; gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng có lãi suất bình quân giảm 2% và gói cho vay nhà ở xã hội có lãi suất được ưu đãi khoảng 1,5 - 2%. Theo đó, các chương trình này khi triển khai đồng thời sẽ góp phần làm giúp bình quân hóa mức lãi suất cho vay trên thị trường nói chung.
Theo NHNN, đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 10%/năm so với cuối năm 2022. Bên cạnh đó, theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN, NHNN cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng yêu cầu triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi. NHNN cũng đã phối hợp với Hiệp hội ngân hàng để vận động sự thống nhất của các hội viên tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay. “Với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới” - ông Tú đánh giá.
Ở góc độ cụ thể từ phía ngân hàng thương mại, ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB cho biết, ngân hàng này đã thực hiện một số giải pháp để tiết kiệm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay. Trong đó, ACB đã tiết kiệm được hơn 500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm so với kế hoạch ban đầu; chỉ số chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống mức gần 30%. Theo đó, ngân hàng này cũng thực hiện giảm từ 0,5% - 2% lãi suất cho khách hàng hiện hữu có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất.
Tương tự, một ngân hàng thương mại khác là TP.Bank cho biết cũng thực hiện nghiêm túc cam kết giảm lãi suất nhằm đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các khoản vay mới và cũ tại TP.Bank đều được giảm lãi, gia hạn. Có những khoản vay đủ điều kiện có thể được giảm tối đa tới 3,6% và ngân hàng này cho biết trong nửa cuối năm 2023, TP.Bank vẫn giữ cam kết đồng hành cùng khách hàng với những chương trình hạ lãi suất.
12 ngân hàng đã đăng ký tham gia gói tín dụng
Các ngân hàng tham gia gói tín dụng này bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín; Ngân hàng TMCP Quân đội; Ngân hàng TMCP Á Châu; Ngân hàng TMCP Nam Á; Ngân hàng TMCP Phương Đông; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội. |