Nhanh chóng “vào cuộc” tổng kiểm kê tài sản công trên toàn quốc
Việc tổng kiểm kê là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công. Ảnh tư liệu |
Yêu cầu ban hành kế hoạch thực hiện
Tài sản công (TSC) tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) do Nhà nước đầu tư, quản lý là cơ sở vật chất để phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Việc tổng kiểm kê đối với các tài sản này là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực TSC trong nền kinh tế, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Với mục đích thực hiện hiệu quả Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 213), Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phổ biến đầy đủ các nội dung của quyết định đến các đơn vị thuộc và trực thuộc. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định cụ thể các nội dung, công việc, thời hạn và tiến độ hoàn thành trách nhiệm được phân công để đảm bảo việc thực hiện QĐ 213 được nghiêm túc, chất lượng, gắn với nhiệm vụ công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị.
Mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra là đến ngày 31/12/2024 hoàn thành công tác chuẩn bị phục vụ tổng kiểm kê TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản KCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý. Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thành lập ban chỉ đạo kiểm kê để chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện kiểm kê tài sản.
Xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm kê của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý thực hiện bảo đảm theo đúng tiến độ. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung cụ thể, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, thời hạn phải hoàn thành và kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện QĐ 213; thực hiện việc báo cáo kết quả kiểm kê, chỉ đạo thực hiện xử lý các nội dung liên quan phát sinh trong quá trình kiểm kê.
Nhiều địa phương nhanh chóng vào cuộc
Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho biết, hiện đơn vị đã nhận được quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc và Kế hoạch triển khai Đề án tổng kiểm kê TSC của một số địa phương như: Bắc Giang, Bắc Kạn, Nam Định, Hải Dương, Hòa Bình, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận, Phú Thọ.
Theo ghi nhận của Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, bước đầu các địa phương đã cho thấy sự nghiêm túc trong triển khai QĐ 213 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngoài việc thành lập Ban chỉ đạo với Trưởng ban là phó chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên là phó giám đốc các sở, ban, ngành, phó chủ tịch UBND các huyện, các địa phương đã giao nhiệm cụ thể cho Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc.
Đơn cử như tại Bắc Giang, UBND tỉnh đã giao Ban chỉ đạo xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổng kiểm kê TSC; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác tổng kiểm kê TSC theo quy định; hướng dẫn việc triển khai thực hiện và chỉ đạo xử lý các nội dung liên quan phát sinh trong quá trình kiểm kê; kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác kiểm kê TSC; tổng hợp kết quả kiểm kê TSC gửi Bộ Tài chính theo quy định. UBND tỉnh Bắc Giang giao Tổ giúp việc tham mưu, giúp Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kiểm kê TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản KCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Về kế hoạch triển khai QĐ 213 cũng được các địa phương xây dựng chi tiết và đưa ra các mốc thời gian để hoàn thành. Cụ thể như tỉnh Hòa Bình giao Sở Tài chính là đầu mối tổng hợp kết quả kiểm kê nhóm TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (nhóm 1) từ các sở, ban, ngành, đơn vị trực tuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố. Kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm chung trước UBND tỉnh về tiến độ tổng hợp kết quả kiểm kê và tính đầy đủ của đối tượng thực hiện kiểm kê của nhóm TSC này.
Các sở, ban, ngành là đầu mối tổng hợp số liệu từng nhóm tài sản KCHT gồm: Sở Giao thông vận tải; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công thương; Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý các khu công nghiệp.
Về tiến độ thực hiện, tỉnh Hòa Bình đã đưa ra mốc thời gian cụ thể để các sở, ngành, huyện, thị thực hiện như: Đến ngày 31/12/2024 hoàn thành công tác chuẩn bị phục vụ tổng kiểm kê TSC; đến ngày 15/6/2025 hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản KCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh gửi Bộ Tài chính…
Có thể thấy, với sự vào cuộc nhanh chóng của các địa phương trong việc thực hiện các khâu chuẩn bị sẽ là tiền đề cho việc triển khai thành công Đề án tổng kiểm kê TSC theo đúng mục tiêu của Chính phủ đặt ra đó là: Nắm được thực trạng của TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản KCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý về các mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng… làm cơ sở để hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng TSC; phục vụ việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSC, cung cấp thông tin để lập Báo cáo tài chính nhà nước, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.
Hoàn thành kiểm kê trong năm 2025 Quyết định số 213/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng kiểm kê TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước quản lý đưa ra mục tiêu cụ thể: Đến ngày 31/12/2024 hoàn thành công tác chuẩn bị phục vụ tổng kiểm kê TSC; đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê; đến ngày 1/7/2025 hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về TSC. |