Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài sản công
Bộ Tài chính thối hợp chặt chẽ với các bộ, địa phương rà soát hệ văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh: TL |
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 do Bộ Tài chính vừa tổ chức, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, trong nửa đầu năm, Cục Quản lý công sản tập trung thực hiện 2 nhóm nhiệm vụ lớn gồm: công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản công; triển khai công tác phục vụ tổng kiểm kê đối với tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và các tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý tại các bộ, ngành, địa phương trên cả nước được thực hiện vào thời điểm 0 giờ ngày 1/1/2025.
Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản công, Cục Quản lý công sản đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, năm 2024 Bộ Tài chính triển khai thực hiện 17 đề án về tài sản công, trong đó, có 3 đề án đã được cấp có thẩm quyền ban hành; 9 đề án đã hoàn tất thủ tục soạn thảo, thẩm định, đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành; 5 đề án đang tập trung nghiên cứu, hoàn thiện.
Ông Thịnh cho biết, về cơ bản, các đề án, chính sách đã được Bộ Tài chính chủ động, tích cực thực hiện, trình cấp có thẩm quyền trong thời hạn được giao. Các văn bản được xây dựng, ban hành bám sát yêu cầu cải cách hành chính, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm kiểm tra, giám sát.
Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới các địa phương tiếp tục đồng hành với Cục Quản lý công sản, với Bộ Tài chính trong xây dựng, hoàn thiện chính sách giúp các chính sách sát hơn, phù hợp hơn nữa khi đi vào thực tiễn.
Ông Thịnh cũng cho biết, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng trong quá trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, xây dựng các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành các Luật này.
Đối với hai Nghị định do Bộ Tài chính chủ trì (gồm nghị định về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; nghị định về quỹ phát triển đất), lãnh đạo Cục Quản lý công sản cho biết, Bộ Tài chính đã hoàn tất quy trình soạn thảo, tổng hợp giải trình tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để báo cáo Chính phủ ký ban hành trong thời gian sớm nhất.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tân Thịnh cũng thông tin về một số nội dung quan trọng liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công được quy định tại Luật Đất đai 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.
Các nội dung đáng chú ý là: đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp thì không phải thuê đất mà giao đất không thu tiền sử dụng đất; đã thu hồi đất theo Luật Đất đai thì không phải sắp xếp lại, xử lý theo pháp luật về tài sản công; không phải xin ý kiến cơ quan tài chính khi giao đất, thu hồi đất của các cơ quan, tổ chức.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục Quản lý công sản sẽ báo cáo Bộ Tài chính có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện. Đề nghị các địa phương quan tâm triển khai các văn bản sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành, nhất là việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định mới.
Đối với công tác tổng kiểm kê đối với tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và các tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý tại các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, Cục trưởng cho biết, trong thời gian qua, 2 bộ (Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải) và 6 địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP.HCM, Quảng Ninh, Bắc Kạn) đã đồng hành, hỗ trợ cùng Bộ Tài chính trong quá trình kiểm kê thử nghiệm, tập dượt cách thức thực hiện trước khi triển khai trên diện rộng, góp phần hoàn thiện các biểu mẫu và chỉ tiêu kiểm kê trước khi chính thức tổng kiểm kê. Đồng thời đề nghị các bộ, các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ cùng Bộ Tài chính để hoàn thành nhiệm vụ này.
Nhấn mạnh công tác trọng tâm thời gian tới, ông Nguyễn Tân Thịnh lưu ý, đối với công tác xây dựng chính sách, pháp luật, Luật Đất đai chuẩn bị có hiệu lực thi hành, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến quản lý sử dụng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị, vì vậy đề nghị các đơn vị đặc biệt quan tâm vấn đề này.
Bên cạnh đó, quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện Tổng kiểm kê tài sản công theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch triển khai của Bộ trưởng Bộ Tài chính.