Sẽ hoàn thiện quy định hoạt động thẩm định giá của Nhà nước
Đặc biệt quan tâm kiểm soát chất lượng doanh nghiệp thẩm định giá
Theo quy định của Luật Giá năm 2012, kinh doanh dịch vụ thẩm định giá là một hoạt động kinh doanh có điều kiện. Đây là một lĩnh vực dịch vụ tài chính quan trọng, có ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế, đòi hỏi kết quả dịch vụ có độ tin cậy và tính hợp lý cao.
Tuy nhiên thời gian trước đây, số lượng doanh nghiệp thẩm định giá đã phát triển nóng. Bên cạnh đó, trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá đã xuất hiện không ít hiện tượng tiêu cực và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến tình trạng không bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, gây bức xúc trong dư luận và xã hội.
Các doanh nghiệp thẩm định giá phải tuân thủ Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Ảnh: TL. |
Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý giá, tính đến hết tháng 1/2021, cả nước có 411 doanh nghiệp (DN) đã được cấp Giấy chứng nhận thẩm định giá, trong đó có 346 DN đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đang hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Tính đến thời điểm đầu năm 2021, Bộ Tài chính đã cấp 2.352 thẻ thẩm định viên về giá, trong đó có 1.723 thẩm định viên đã đăng ký hành nghề tại các DN thẩm định giá.
Công tác kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá luôn được Cục Quản lý giá đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác quản lý, theo dõi việc đăng ký và duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của DN thẩm định giá và điều kiện hành nghề của thẩm định viên cho thấy, về cơ bản các DN thẩm định giá đã tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá.
Theo đó, các DN thẩm định giá đã đảm bảo các điều kiện hoạt động thẩm định giá, hợp đồng thẩm định giá, quy trình thẩm định giá, báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá, quản lý thẩm định viên về giá. Công tác tổng hợp, xử lý các thông tin phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo của khách hàng thẩm định giá, về cơ bản đã được giải quyết kịp thời và phù hợp với quy định của pháp luật về thẩm định giá, pháp luật về khiếu nại và pháp luật về tố cáo.
Để hoạt động thẩm định giá hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đã tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm về thẩm định giá. Công tác giám sát, kiểm tra hàng năm và thanh tra đã phát hiện và xử phạt hành chính đối với các DN có hành vi vi phạm pháp luật về thẩm định giá. Qua thống kê cho thấy, năm 2019 đã xử phạt 15 DN; năm 2020 đã xử phạt 5 DN. Bộ Tài chính cũng đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với tổng cộng 65 DN; tiến hành đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với 26 lượt DN.
Sửa quy định để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thẩm định giá, Bộ Tài chính có văn bản nhắc nhở gửi tất cả các DN, yêu cầu DN chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những vi phạm hoặc sai sót trong quá trình hoạt động thẩm định giá.
Cuối mỗi năm, trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính đều có công văn nhắc nhở các DN thẩm định giá về việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thẩm định giá. Trong đó có những nội dung đánh giá chung về tình hình hoạt động thẩm định giá của DN, chỉ ra những tồn tại của các DN trong kỳ kiểm tra, đặc biệt đưa ra những yêu cầu chấn chỉnh để DN nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Giá, các văn bản hướng dẫn luật và tuân thủ Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
Để quản chặt hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ngày 24/2/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP. Nghị định mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2021, tăng cường hiệu quả quản lý hơn nữa về thẩm định giá đối với DN thẩm định giá và thẩm định viên về giá.
Nghị định mới này bổ sung các chế tài và điều kiện đủ mạnh nhằm siết chặt quản lý, chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá của DN thẩm định giá và thẩm định viên. Đồng thời bảo đảm hệ thống pháp luật về thẩm định giá đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tới đây, Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất sửa Luật Giá, trong đó có quy định về thẩm định giá, để khắc phục những tồn tại hiện nay.
Theo đó, sẽ quy định rõ phạm vi (những trường hợp) thẩm định giá của nhà nước cho phù hợp với luật khác có liên quan. Đồng thời, củng cố hoạt động này để đáp ứng nhu cầu đặt ra trong tình hình thực tiễn quản lý nhà nước về giá hiện nay; hoàn thiện các quy định về phương thức thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước.../.