Sửa các luật thuế: Các chính sách phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, nhà nước
Sửa các luật thuế: Các chính sách phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, nhà nước. Ảnh: TL |
Ngày 20/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về 3 dự án luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, gồm Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Mở rộng cơ sở thu đảm bảo minh bạch, thuận lợi, thu đúng, thu đủ
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13.
Đồng thời, Luật cũng nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước; đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu).
Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), mục tiêu là hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.
Các nội dung và các điều luật được đổi mới theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật; góp phần cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thực hiện quản lý thuế điện tử, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế…
Về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), theo cơ quan chủ trì soạn thảo, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang bộc lộ một số "khoảng trống" trong việc điều chỉnh các vấn đề thuế mới phát sinh trong quá trình tăng cường hợp tác quốc tế về thuế, xử lý các vấn đề thuế quốc tế như việc tham gia Diễn đàn Chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận (BEPS) hay Sáng kiến Thuế tối thiểu toàn cầu gần đây.
Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của Diễn đàn BEPS và đã cam kết thực hiện tối thiểu 4 hành động trong khuôn khổ Diễn đàn này. Theo đó, một số nội dung của chính sách thuế, trong đó có chính sách thuế TNDN cũng cần phải được rà soát để điều chỉnh phù hợp với xu hướng thuế quốc tế, đặc biệt là xử lý hiệu quả các hành vi trốn thuế, tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Do đó, cần thiết phải ban hành Luật thuế TNDN (sửa đổi) nhằm hoàn thiện các quy định về chính sách thuế TNDN để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về hệ thống chính sách thuế; đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về thuế TNDN với quy định của pháp luật liên quan; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh…
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung quan trọng của 3 dự án Luật, trong đó có những vấn đề được xã hội quan tâm như đối tượng chịu thuế hay cách tính thuế TTĐB.
Bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế
Sau khi nghe báo cáo, ý kiến phát biểu, kết luận các nội dung, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Tài chính trong việc tổng kết, đánh giá thực tiễn, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, lấy ý kiến các cơ quan, cá nhân, tổ chức liên quan, các đối tượng tác động, tổng hợp ý kiến, xây dựng các dự án luật.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn trong quá trình xây dựng các dự án luật.
Theo đó, về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu việc đề xuất sửa đổi tập trung vào những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành. Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; quản lý được nhưng phải thông thoáng và rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian.
Cùng với đó, thiết kế cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực tại doanh nghiệp; có quy định đặc thù với các DNNN trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; giao quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho người đại diện phần vốn nhà nước.
Về Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ thuế TTĐB là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng với một số mặt hàng, nhưng cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Khẳng định cần có chính sách để hạn chế tiêu dùng các hàng hóa có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường, tài nguyên; hàng hóa xa xỉ…, tuy nhiên Thủ tướng lưu ý phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân; hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu hạn chế mặt tiêu cực từ việc tiêu thụ các mặt hàng này, bảo vệ sức khỏe người dân…
Về Dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm: mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chống thất thu thuế, nhất là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ…; đẩy mạnh hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thu thuế.
Đồng thời, nghiên cứu một số nội dung để phân cấp cho Chính phủ quy định để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt phù hợp tình hình; tháo gỡ những vướng mắc về hoàn thuế, thu thuế…; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…
Cùng với việc bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, cần ưu đãi thuế cho một số đối tượng phù hợp như doanh nghiệp làm nhà ở xã hội; những nội dung đã ổn định như về chính sách ưu đãi đầu tư thì tiếp tục làm tốt hơn, không gây xáo trộn không cần thiết./.