Tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động thanh tra
6 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng đã thu nộp về ngân sách nhà nước 6.124 tỷ đồng. Ảnh tư liệu. |
Xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý tài chính ngân sách
Đánh giá về công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT) trong 6 tháng đầu năm, ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) thuộc Bộ đã triển khai thực hiện đầy đủ quy chế giám sát hoạt động đoàn thanh tra; tổ giám sát đoàn thanh tra hoạt động đúng quy định, có hiệu quả, giúp cho việc chấp hành các quy định, quy trình, quy chế đoàn thanh tra được nâng cao. Các đoàn thanh tra chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục; đảm bảo thời gian và kế hoạch được duyệt; thành viên đoàn TTKT đều chấp hành nghiêm kỷ luật và quy chế. Nội dung TTKT có trọng tâm, trọng điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính và hoàn thành đúng tiến độ.
Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra; quy trình, quy chế đoàn thanh tra cũng như kỷ cương, kỷ luật trong ngành được tăng cường. Cán bộ, công chức khi tiến hành thanh tra đều tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra, bao che cho đối tượng thanh tra.
Các đơn vị đã tổ chức thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo quy định. Qua TTKT đã xử lý nghiêm theo quy định các sai phạm trong công tác quản lý tài chính ngân sách; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về quản lý tài chính đối với các ngành, lĩnh vực.
Nhờ thực hiện nghiêm các giải pháp và chấp hành đúng các quy định về trình tự, thủ tục của công tác TTKT, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 31.195 cuộc TTKT; tiến hành kiểm tra 380.146 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế; kiểm tra 580 hồ sơ sau thông quan; kiến nghị xử lý về tài chính 50.034 tỷ đồng (kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 8.679 tỷ đồng; kiến nghị tài chính khác 41.356 tỷ đồng); xử phạt vi phạm hành chính 1.771 tỷ đồng. Số tiền đã nộp NSNN trong kỳ là 6.124 tỷ đồng.
Riêng Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành 15 kết luận thanh tra và 9 thông báo kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính 15.264 tỷ đồng (bao gồm kiến nghị nộp NSNN 1.736 tỷ đồng, kiến nghị khác 13.528 tỷ đồng); kiến nghị sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách tài chính tại các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị...
Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị
Cho biết về phương hướng nhiệm vụ của công tác TTKT 6 tháng cuối năm, ông Trường cho biết, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN thuộc Bộ sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các cuộc TTKT theo kế hoạch để đạt chất lượng tốt.
Theo đó, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng TTCN thuộc Bộ tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch TTKT tài chính năm 2024 đã được phê duyệt. Đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc TTKT đột xuất theo chỉ đạo. Các cuộc thanh tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra, Thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch TTKT tài chính năm 2024 đã được phê duyệt; đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc TTKT đột xuất theo chỉ đạo. Các cuộc thanh tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra, Thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; tổ chức triển khai thực hiện về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo đúng quy định để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra, đảm bảo tính chính xác của kết luận thanh tra.
Các đơn vị thanh tra tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục. Chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra.
Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng TTCN thuộc Bộ tiếp tục chủ động xây dựng phương án triển khai, điều chỉnh kế hoạch TTKT cho phù hợp với tình hình thực tế. Chủ động nghiên cứu tham mưu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thanh tra; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy chế cho phù hợp với quy định. Bám sát chủ trương, định hướng hoạt động của Chính phủ, của Bộ và định hướng kế hoạch TTKT của Thanh tra Chính phủ để chỉ đạo nghiệp vụ đối với các đơn vị có chức năng TTCN tài chính thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra góp phần tăng thu NSNN; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc triển khai thực hiện công tác phòng chống tham nhũng; Chỉ đạo các Phòng thuộc Thanh tra Bộ nghiên cứu, đề xuất xây dựng kế hoạch TTKT tài chính năm 2025.
Đặc biệt, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, đơn vị sẽ tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong ngành Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan Cảnh sát điều tra, Tòa án, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước... phát hiện sớm các trường hợp vi phạm về quản lý tài chính, quản lý tài sản, thực hiện nghĩa vụ với NSNN để ngăn chặn, xử lý kịp thời./.