Thanh Hóa: Giám sát chặt chẽ việc cấp phép khai thác, thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng
Theo đó, trong ngày 22/9, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do ông Lê Tiến Lam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc tại huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn
Báo cáo của huyện Nông Cống đánh giá, từ năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện có 21 doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Trong đó, có 8 doanh nghiệp khai thác đá xây dựng; 2 khai thác quặng secpentin, 1 doanh nghiệp khai thác đá phụ gia xi măng, 4 doanh nghiệp khai thác đất san lấp và tận thu đá silic…
Đoàn giám sát thực tế tại mỏ đá xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn. Ảnh: Thanh Tâm |
Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Nông Cống đã tổ chức hàng chục đợt kiểm tra và xử lý 15 trường hợp vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.
Thị xã Nghi Sơn hiện có 32 mỏ được cấp phép, trong đó có 23 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng, 8 mỏ san lấp, 1 mỏ cát nhiễm mặn. Từ năm 2018 đến nay, UBND thị xã Nghi Sơn đã tiến hành hơn 60 cuộc kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các xã.
Việc khai thác mỏ của một số đơn vị vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa thực hiện tốt việc bảo vệ mốc giới dẫn đến sau khi được bàn giao đã khai thác không đúng; xây dựng một số hạng mực công trình không đúng thiết kế được thẩm định; sử dụng các khu vực khai trường trái phép...
Tại buổi giám sát, UBND huyện Nông Cống đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện công tác lắp đặt camera tại các mỏ, trạm cân theo quy định để giám sát công suất khai thác, tránh thất thu thuế, tài nguyên, phí bảo vệ môi trường từ hoạt động khai thác, chế biến. Tăng điều tiết ngân sách từ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường cho cấp trực tiếp ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.
Thị xã Nghi Sơn đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung thêm biên chế cho thị xã trong lĩnh vực khoáng sản nói riêng, lĩnh vực tài nguyên môi trường nói chung; đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam cho biết, công tác chấp hành quy định của pháp luật trong cấp phép, khai thác, sử dụng khoáng sản còn tồn tại những bất cập theo phản ánh của các địa phương cho thấy việc ban hành các quy chế quản lý phù hợp theo hướng nâng cao trách nhiệm của cả các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, cũng yêu cầu chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản đến người dân và các doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra tình hình khai thác, đôn đốc vấn đề hoàn nguyên, bảo đảm an toàn lao động và môi trường.
Đồng thời, UBND huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn cần phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ các nội dung về đoàn giám sát nêu để đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về cấp phép, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, các ngành, đoàn sẽ tiếp thu, ghi nhận, đưa vào báo cáo để trình HĐND tỉnh xem xét, nghiên cứu điều chỉnh quy định về cấp phép, khai thác và sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Quang Hải làm trưởng đoàn làm việc với huyện Cẩm Thủy. Ảnh: Thanh Tâm |
Cũng trong sáng ngày 22/9, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa do ông Nguyễn Quang Hải - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát việc quản lý Nhà nước về cấp phép, thăm dò và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại huyện Cẩm Thủy.
Theo báo cáo của UBND huyện Cẩm Thủy, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện có 11 mỏ khai thác đá vôi, 8 mỏ khai thác cát, 7 bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi được UBND tỉnh cho thuê đất.
Huyện Cẩm Thuỷ đã triển khai lắp đặt 7 camera giám sát đối với hoạt động khai thác, tiêu thụ khoáng sản tại vị trí các khu vực mỏ, bãi tập kết của các đơn vị và hiện duy trì hoạt động của 5 camera tại Công ty CP Thọ Nam Sơn, Công ty TNHH Vân Lộc, HTX Nam Thành.
Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, an toàn lao động, bảo đảm an ninh - trật tự tại các khu vực có khoáng sản trên địa bàn huyện được kiểm tra đánh giá thường xuyên, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm. Không để xảy ra tình trạng khai thác bừa bãi, huỷ hoại và lãng phí tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực có khoáng sản.
Hàng năm, UBND huyện Cẩm Thủy phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện việc khai thác khoáng sản trái phép hoặc không đúng với các quy định, quy trình khai thác của dự án.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để triển khai thực hiện kế hoạch.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại các mỏ khoáng sản việc trang bị và thực hiện an toàn lao động tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản ở một số đơn vị còn mang tính hình thức. Các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản chưa có hoặc chưa đầy đủ bảng nội quy của đơn vị, nội quy về an toàn lao động.
Tình trạng tự thỏa thuận mua bán đất san lấp giữa các hộ dân và đơn vị xây dựng còn nhiều bất cập, khó kiểm soát.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát và huyện Cẩm Thủy đã tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại hạn chế trong quản lý cấp phép, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Đồng thời, đưa ra những giải pháp nhằm quản lý và bảo vệ khoáng sản, nhất là các mỏ khoáng sản hiện có trên địa bàn huyện Cẩm Thủy chưa khai thác./.