Thông qua dự toán ngân sách năm 2025
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025 tại phiên họp ngày 13/11/2024 chương trình Kỳ họp thứ 8. Ảnh: MH |
Theo đó, Quốc hội quyết nghị số thu NSNN là gần 1,967 triệu tỷ đồng.
Sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương (NSĐP) đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Tổng số chi NSNN là gần 2,549 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Trong đó, bội chi ngân sách trung ương (NSTW) là 443.100 tỷ đồng, tương đương 3,6%GDP; bội chi NSĐP là 28.400 tỷ đồng, tương đương 0,2%GDP.
Tổng mức vay của NSNN là 835.965 tỷ đồng.
Về điều hành NSNN năm 2024, Quốc hội cũng quyết nghị, bổ sung dự toán thu NSTW năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 21.284 triệu đồng và bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 21.284 triệu đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Điều chỉnh tăng 360.245 triệu đồng vốn vay lại nước ngoài năm 2024 cho 7 địa phương.
Đồng thời, điều chỉnh giảm 406.035 triệu đồng dự toán vốn vay lại nước ngoài năm 2024 của 12 địa phương.
Bổ sung dự toán thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức thu là 118.591 triệu đồng.
Quốc hội giao Chính phủ bổ sung dự toán chi cho Bộ Công Thương từ nguồn thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa để lại năm 2024 là 43.250 triệu đồng để chi cho nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Quốc hội cũng quyết nghị về dự toán, kế hoạch vốn NSTW năm 2025 từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022 và 2023.
Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Nghị quyết yêu cầu chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
Đồng thời cho phép từ ngày 1/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của NSTW để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của NSĐP để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.
Quốc hội giao Chính phủ nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó yêu cầu tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác…
Quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; mở rộng cơ sở thu; chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại, đặc biệt trong các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số.
Đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế.
Thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm xây dựng phương án sửa đổi Luật NSNN, gắn với việc sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi một cách tổng thể, thận trọng, có đánh giá tác động đầy đủ nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách…
Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, bội chi NSĐP và mức vay nợ của NSĐP, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN.