Thủ tướng giao các địa phương tự cân đối chi phí giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3, 4 phía Nam
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM ngày 13/5.
Đối với dự án đường Vành đai 3, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan gồm TP HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương điều chỉnh phạm vi các dự án thành phần để giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Sơ đồ đường vành đai 3 và 4 TP HCM. |
Đối với chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên khoảng 1.599 tỷ đồng của dự án thành phần 1A, TP HCM có trách nhiệm tự cân đối kết hợp với đầu tư xây dựng các đường cao tốc, các trục giao thông gắn với quy hoạch chính trong đô thị, khai thác quỹ đất phát triển đô thị và khu công nghiệp, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh... 2 bên đường theo quy định.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) điều chỉnh dự án thành phần 1B theo hướng giao cho địa phương thực hiện theo cơ chế chung toàn tuyến. Bộ cũng tổng hợp nhu cầu kinh phí Trung ương qua từng địa phương nêu trên, giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp nhu cầu vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025, trình Chính phủ xem xét cụ thể mức hỗ trợ. Các địa phương khác cũng chủ động nghiên cứu phương án khai thác quỹ đất hiệu quả gắn với các dự án phát triển hạ tầng để tạo ra nguồn vốn đầu tư.
Về dự án Vành đai 4, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Long An xác định các dự án thành phần qua từng địa phương để giao cho các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức PPP. Trên cơ sở đó, các địa phương phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn.
Cơ chế đầu tư dự án Vành đai 3 - 4 dựa trên nguyên tắc: Các địa phương có trách nhiệm cân đối toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần vốn tham gia của nhà nước cho công tác xây lắp theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức PPP.
Đường Vành đai 3 có chiều dài hơn 98 km, được phê duyệt từ 10 năm trước như toàn tuyến chỉ có hơn 16 km được hoàn thành ở Bình Dương (đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn). Hai dự án thành phần 1A (tỉnh lộ 25B - cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) và 1B (cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức) đã được Bộ GTVT phê duyệt. Các dự án thành phần 2A, 2B, đoạn 3, đoạn 4 đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Kinh phí giải phóng mặt bằng làm dự án Vành đai 3 thuộc địa phận TP HCM được xác định khoảng 26.400 tỷ đồng.
Đường Vành đai 4 có chiều dài 198 km, mức đầu tư sơ bộ khoảng 100.000 tỷ đồng. Dự án được chia làm 5 phân đoạn đầu tư, trong đó đoạn Bến Lức - Hiệp Phước đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khải thi, các đoạn còn lại vẫn chưa nghiên cứu. Tuyến đường này khi hoàn thành được kỳ vọng kết nối các khu kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng Hiệp Phước, cảng Long An, cảng Phú Mỹ, cảng hàng không quốc tế Long Thành…./.