TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
![]() |
Ảnh: T.L |
Nỗ lực lớn nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng
Đến hết tháng 8/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) đạt 29%, (tương đương số vốn 25.252 tỷ đồng), tăng 52,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù trong quý II/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đã có nhiều khởi sắc hơn trước đó, nhưng tỷ lệ trên còn thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung cả nước, dù giá trị tuyệt đối có cao hơn so với cùng kỳ do năm nay thành phố được giao đến gần 70.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, gấp đôi so với năm ngoái.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố, để đạt được kết quả trên, TP. HCM đã nỗ lực, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân để dòng vốn chảy vào nền kinh tế. Ngay từ đầu quý II/2023, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Thành phố đã công khai, minh bạch mọi vấn đề để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, cùng với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, động viên khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Kết quả giám sát chuyên đề mới đây của Thường trực HĐND TP. HCM và trên cơ sở tổng hợp, phân tích từ các chuyên gia nhìn nhận, hiện tại TP. HCM nổi lên một số vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ.
Nguyên nhân chính là công tác giải phóng mặt bằng kéo dài; quy trình xử lý hồ sơ từ quận huyện lên các sở ngành chưa hiệu quả; một số nhà thầu có năng lực hạn chế. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra, làm phát sinh khối lượng, hạng mục. Công tác quản lý dự án đầu tư còn tồn tại thiếu sót trong khâu lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công…
Về tổng thể triển khai nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, công tác triển khai đầu tư công trên địa bàn rất chậm, thậm chí có một số dự án còn chưa giải ngân. Nguyên nhân chính do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các bên có liên quan.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế xã hội TP. HCM những tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh phải đương đầu với khó khăn nhiều hơn thuận lợi do triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới đang bị đe doạ bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu suy yếu, việc thắt chặt chính sách tài chính, tiền tệ; những ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, tài chính trong nước, cùng với giải ngân đầu tư công chậm đã ảnh hưởng đến đà phục hồi của nhiều lĩnh vực kinh tế.
Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc trên, TP. HCM đã và đang thực hiện một số giải pháp cụ thể để giải ngân đầu tư công trong thời gian tới.
Cần giải ngân khoảng 45.000 tỷ đồng
Trong 4 tháng còn lại của năm 2023, TP. HCM cần giải ngân khoảng 45.000 tỷ đồng đầu tư công để đạt mục tiêu đề ra. Con số này gần bằng giá trị giải ngân của 2 năm 2021 và 2022 cộng lại, được xem là một áp lực rất lớn trong khi lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ kiên trì mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân cuối năm là 95%. Để hoàn thành nhiệm vụ rất thách thức này, nhiều giải pháp đang được chính quyền thành phố tích cực triển khai.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết: "Từ khi hồ sơ gửi lên, đến khi có được một cái giá để quận, huyện áp vào để tính kéo dài đến 1 tháng. Liên quan đến giải phóng mặt bằng, tôi đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Văn phòng Ủy ban cần sát sao hơn để rút ngắn thời gian chỉ còn 1 tuần".
Cũng theo ông Mãi, thành phố cần tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ công tác đầu tư trong việc phối hợp các sở, ban, ngành giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có sử dụng đất trên địa bàn; đề xuất các giải pháp thực hiện đa dạng các hình thức trong hợp tác công tư; trong đó, có quyền cho thuê đất, cho thuê tài sản; đầu tư hạ tầng thành phố.
“TP. HCM xác định sẽ lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược kết hợp với việc rà soát lại toàn bộ nguồn lực tiềm năng trong huy động nguồn vốn cho đầu tư công” - ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Theo các chuyên gia, để đạt kết quả cao hơn nữa trong giải ngân đầu tư công, thành phố cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất; kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công nhằm góp phần đưa hoạt động đầu tư công thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đúng quy định.
Cùng với đó, cần phân công các lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Kết quả thực hiện và giải ngân của các dự án sẽ là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của lãnh đạo được phân công theo dõi, chủ đầu tư dự án và cá nhân liên quan./.
Tin cùng chuyên mục

Người nộp thuế có thể nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại cơ quan thuế nơi cư trú

Nộp hồ sơ quyết toán thuế ở cơ quan nào khi đã nghỉ việc để được hoàn thuế?

Hàng hóa hư hỏng, sinh lý hóa tự nhiên có được tính chi phí được trừ để quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp?

Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp

Chi bổ sung chế độ cho người lao động có bị tính thuế thu nhập cá nhân?
Tin khác

Chi trả lương cho nhân viên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp có phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân?

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người lao động cùng công ty, khác chi nhánh

Quyết toán thuế ra sao khi đã khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân?

Người nộp thuế khai giảm trừ gia cảnh ở đâu thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý đó

Quà tặng cuối năm có phải tính nộp thuế thu nhập cá nhân?

Giao dịch liên kết đối với đơn vị có chi nhánh hạch toán độc lập?

Cung cấp phần mềm cho doanh nghiệp chế xuất áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng ra sao?

Hóa đơn đầu vào sử dụng mã số thuế của công ty hay mã số thuế của chi nhánh?

Bán hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất hoặc doanh nghiệp trong khu phi thuế quan áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng ra sao?
