Yêu cầu đẩy nhanh công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2022
![]() |
Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2022. Ảnh minh họa |
Một loạt nguyên nhân được chỉ ra
Cho biết về tình hình thực hiện quyết toán vốn đầu tư công (ĐTC) dự án hoàn thành (DAHT) năm 2022, báo cáo từ Bộ Tài chính nêu rõ, cơ bản các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định thời gian quyết toán. Tuy nhiên, ở cấp huyện, cấp xã, một số chủ đầu tư (CĐT), ban quản lý dự án (BQLDA) vẫn còn tình trạng chậm lập, thẩm tra phê duyệt quyết toán DAHT.
Một số hồ sơ của các đơn vị CĐT, BQLDA lập chưa đầy đủ các nội dung theo quy định của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP (NĐ 99) của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn ĐTC và Thông tư số 96/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán như: Tờ trình phê duyệt quyết toán chưa nêu kết luận của thanh tra, kiểm toán; trường hợp có kết luận của thanh tra, kiểm toán nhưng chưa có ý kiến báo cáo tình hình chấp hành báo cáo thanh tra, kiểm toán; một số báo cáo kết luận thẩm tra quyết toán của cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán còn sơ sài, chưa nêu việc chấp hành của CĐT đối với ý kiến kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước (nếu có); một số quyết định phê duyệt chưa đúng mẫu…
Nguyên nhân của việc này cũng được báo cáo của Bộ Tài chính nêu rất rõ. Cụ thể, về phía các bộ, ngành, địa phương, thủ trưởng một số đơn vị (nhất là cấp huyện, xã) chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác quyết toán DAHT; chưa thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian, biểu mẫu, hồ sơ quyết toán DAHT.
Về phía CĐT, BQLDA (chủ yếu là ở cấp huyện, xã), nhà thầu chưa chấp hành đúng quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán DAHT để gửi cơ quan thẩm tra quyết toán thẩm tra theo quy định. Một số CĐT, BQLDA chậm trễ trong việc hoàn tất hồ sơ, thủ tục gửi cơ quan thẩm tra quyết toán; chưa tích cực phối hợp với cơ quan thẩm tra quyết toán cung cấp thông tin, giải trình… trong giai đoạn thẩm tra quyết toán.
Để xảy ra tình trạng này là do một số CĐT, BQLDA còn thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế, chưa tuân thủ về quy trình, trình tự trong đầu tư xây dựng cơ bản, chưa kiểm soát chặt chẽ các đơn vị tư vấn, thi công trong thực hiện hợp đồng. Do đó, khi quyết toán lại phải bổ sung, điều chỉnh… gây mất nhiều thời gian.
Một số nhà thầu chưa quan tâm và chưa phối hợp với các CĐT, BQLDA trong việc lập quyết toán A-B, không thực hiện lập và cung cấp hồ sơ theo quy định để thực hiện quyết toán DAHT.
Một số dự án kéo dài và trải qua nhiều CĐT, BQLDA nên công tác theo dõi, quản lý, lưu trữ, bàn giao hồ sơ ở một số dự án tại CĐT, BQLDA không chặt chẽ theo quy định, dẫn tới tình trạng bị thất lạc hồ sơ của dự án.
Về phía cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán, vẫn còn tình trạng chậm thẩm tra quyết toán DAHT (nhất là cấp huyện, xã); chưa thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cơ quan tài chính cấp dưới (nhất là cấp huyện, xã) trong quyết toán DAHT.
Nguyên nhân là do số người làm công tác thẩm tra quyết toán của cơ quan chủ trì việc này còn hạn chế, thậm chí phải làm kiêm nhiệm; thời gian thẩm tra quyết toán DAHT còn ngắn; công tác kiểm tra, nắm bắt, hướng dẫn nghiệp vụ quyết toán DAHT đối với cấp huyện, xã còn hạn chế và chưa thường xuyên.
Đề nghị xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân để chậm
Để nâng cao chất lượng công tác quyết toán DAHT, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, CĐT, BQLDA và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác quyết toán DAHT; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân không thực hiện đúng quy định về thời gian quyết toán DAHT (chậm lập, chậm nộp báo cáo quyết toán và chậm thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán).
Kiên quyết áp dụng các chế tài xử lý đã được hướng dẫn tại các văn bản pháp lý hiện hành đối với các CĐT vi phạm.
Công khai danh sách các nhà thầu vi phạm thời gian lập hồ sơ quyết toán trên Báo Đấu thầu, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để thông báo cho các CĐT, BQLDA biết. Không để nhà thầu có vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư DAHT được tham gia đấu thầu dự án, gói thầu mới.
Chỉ đạo CĐT, BQLDA và các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán DAHT theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 96/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính để giảm tồn đọng quyết toán DAHT hàng năm.
Chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực (nhân sự, vật chất) cho công tác thẩm tra quyết toán DAHT. Trên cơ sở kết quả quyết toán DAHT, xác định công nợ để ưu tiên bố trí vốn thanh toán dứt điểm cho dự án đã hoàn thành phê duyệt quyết toán theo đúng các quy định hiện hành.
Đối với CĐT, BQLDA, Bộ Tài chính yêu cầu chấp hành đúng quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán DAHT.
CĐT, BQLDA cần nâng cao năng lực, tuân thủ các quy định của nhà nước về quản lý dự án đầu tư; chủ động phối hợp với cơ quan thẩm tra quyết toán cung cấp thông tin, giải trình… trong thẩm tra quyết toán.
Đối với các dự án sử dụng vốn ĐTC hoàn thành chưa đủ hồ sơ, chứng từ quyết toán, Bộ Tài chính lưu ý CĐT, BQLDA xác định rõ nguyên nhân chậm lập quyết toán, những khó khăn vướng mắc cụ thể của từng dự án, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan và đề xuất các biện pháp xử lý; rà soát lại các hợp đồng đã ký (đặc biệt là các hợp đồng đã quá thời gian thực hiện, chưa quyết toán), các nội dung công việc không qua hợp đồng, căn cứ quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về dân sự để phối hợp với nhà thầu xử lý các vẫn đề còn vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm; căn cứ kết quả xử lý vướng mắc.
CĐT thực hiện quyết toán hợp đồng, quyết toán các nội dung công việc đã thực hiện, lập báo cáo quyết toán DAHT để làm cơ sở cho việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán.
Về phía cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán, Bộ Tài chính yêu cầu có đề xuất kịp thời trong giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thẩm tra, quyết toán; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các CĐT, BQLDA trong việc lập, thẩm định quyết toán DAHT đảm bảo theo đúng quy định; kiện toàn công chức thẩm tra quyết toán DAHT để đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Tình hình quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành năm 2022
Tại thời điểm tháng 6/2023, thông tin về tình hình quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022 có 45.168 dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán, chiếm 64,5% số dự án hoàn thành, thấp hơn năm 2021 (65%).
Giá trị tổng mức đầu tư được duyệt của hơn 45.000 dự án này là 392.266 tỷ đồng và giá trị quyết toán được phê duyệt là 313.818 tỷ đồng, chiếm 80% so tổng mức đầu tư, cao hơn năm 2021 (77%). Tuy nhiên, vẫn còn 24.875 dự án hoàn thành chưa phê duyệt quyết toán (chiếm 35,5% số dự án hoàn thành).
Sau khi tổng hợp số liệu báo cáo của 113/120 đơn vị (gồm: 48/55 bộ, ngành, cơ quan trung ương, 02/02 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy tính đến hết năm 2022, cả nước có 70.043 dự án hoàn thành cần thực hiện thủ tục quyết toán vốn đầu tư công theo quy định, thấp hơn năm 2021 là 14.977 dự án, với giá trị tổng mức đầu tư được duyệt là 975.862 tỷ đồng.
Thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành cơ quan thẩm tra quyết toán ở bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và cơ quan tài chính các cấp ở địa phương loại ra khỏi giá trị đề nghị quyết toán là 5.361 tỷ đồng, chiếm 1,7%, tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán, thấp hơn năm 2021 (2,5%).
Từ tình hình tổng hợp kết quả công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2022 nêu trên và để đảm bảo công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành được thực hiện đúng quy định, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tập đoàn, tổng công ty cần chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo đúng quy định.
Các căn cứ pháp luật được Bộ Tài chính nêu rõ tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan rà soát, khắc phục các tồn tại của báo cáo quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, đặc biệt những đơn vị có tồn tại từ năm 2021 theo văn bản số 3992/BTC-ĐT ngày 6/5/2022 của Bộ Tài chính.
Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công

Yêu cầu nhanh chóng rà soát, phân loại quỹ nhà, đất không sử dụng

Kon Tum: Nhiều giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Quý I/2025, Quảng Ninh giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư công

Tổng kiểm kê tài sản công: Đã hoàn thành giai đoạn kiểm đếm thực tế
Tin khác

Hà Nội: Giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95%

Tiêu chí lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công

TP. Hồ Chí Minh: Làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị không hoàn thành giải ngân đầu tư công

Nhiều bộ, ngành, địa phương gần “về đích” kiểm kê tài sản công

EU sẽ không áp dụng các biện pháp phòng thủ về thuế và phi thuế đối với Việt Nam

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công

Kiểm tra công tác tổng kiểm kê tài sản công tại 16 địa phương

Tăng mức phạt vi phạm hành chính để bảo vệ người tiêu dùng

Một số bộ, địa phương thực hiện tốt công tác tổng kiểm kê tài sản công
