7 tháng, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 35% kế hoạch
Ước 7 tháng giải ngân 232.091,4 tỷ đồng
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công (ĐTC) từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 188.406,3 tỷ đồng, đạt 26,15% kế hoạch (720.377,8 tỷ đồng), đạt 28,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 4.490,22 tỷ đồng (đạt 73,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 8.638,3 tỷ đồng, đạt 31,74% kế hoạch.
Vẫn là những vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách làm khó cho việc giải ngân. Ảnh minh họa: H.T |
Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2024 là 232.091,4 tỷ đồng, đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 35,49% tổng kế hoạch và đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 4.685,13 tỷ đồng (đạt 76,46 kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), CTMTQG là 11.840,8 tỷ đồng, đạt 43,50% kế hoạch.
Theo danh sách thống kê của Bộ Tài chính, trong 7 tháng qua, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài Truyền hình Việt Nam (100%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (53,95%), Bộ Giao thông vận tải (50,83%), Bộ Xây dựng (47,91%), Thanh Hóa (58,45%), Hòa Bình (56,79%), Long An (52,22%).
Vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có tỷ lệ giải ngân đạt cao trên 76,% kế hoạch; đặc biệt vốn do các bộ, cơ quan trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 7 tháng đạt 99,58% (riêng Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân là 100%).
Tuy nhiên, vẫn còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt có một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nguyên nhân là do chưa phân bổ kế hoạch vốn. Một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp như: Ủy ban Dân tộc (1,12%), Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (1,43%), Đại học Quốc gia Hà Nội (2,96%)…. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% như TP. Hồ Chí Minh (14,31%), Phú Yên (16,27%), Bắc Ninh (16,08%), Hải Dương (18,36%).
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, việc một số địa phương kế hoạch lớn (TP. Hồ Chí Minh được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước, TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước) nhưng tỷ lệ giải ngân không cao nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Vẫn là các vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, những khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ĐTC đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 16/7/2024 với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về đánh giá tình hình kế hoạch ĐTC 6 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, các vướng mắc chủ yếu liên quan đến cơ chế chính sách (Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu...).
Bên cạnh đó là việc nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nên không thể giải ngân; các dự án trọng điểm giao thông: vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...
Để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 16/7/2024 về giải ngân vốn ĐTC và khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm 2024.
Về việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN sau ngày 31/12/2023, Bộ Tài chính cho biết, sau khi tổng hợp ý kiến của 7 bộ, cơ quan trung ương và Bộ Tư pháp, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính đã có Công văn số 7821/BTC-ĐT ngày 25/7/2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ KHĐT hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (như đối với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính) về việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 sau ngày 31/12/2023 để thống nhất thực hiện chung, tránh cách hiểu khác nhau và không có căn cứ giải trình trước các cơ quan thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành về sau (nếu có). Vì vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KHĐT khẩn trương có văn bản hướng dẫn theo đề xuất của Bộ Tài chính tại văn bản nêu trên.
Đồng thời, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KHĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết điều chỉnh. Giao Bộ KHĐT khẩn trương có ý kiến về việc giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số bộ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 28/2/2024 và công văn số 4808/VPCP-KTTH ngày 9/7/2024 của Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời Bộ Tài chính cho biết, đã cùng với Bộ KHĐT có thông báo và hướng dẫn việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 sang năm 2024. Do đó, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung khẩn trương giải ngân nguồn vốn được phép kéo dài nêu trên.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính rà soát các bất cập, vướng mắc trong các quy định pháp luật (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán,...) để các bộ, ngành chủ trì, soạn thảo tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành một luật sửa đổi, bổ sung một số luật giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô./.