Bình Định: Yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo đúng cam kết
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Bình Định trên 8.837 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn do Thủ tướng Chính phủ giao và vốn địa phương giao thêm). Dự kiến đến hết tháng 11/2022, tỉnh Bình Định giải ngân được trên 7.201 tỷ đồng, đạt 81,4% tổng kế hoạch vốn được giao, đạt 81,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Bình Định yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo đúng cam kết. Ảnh minh họa: H.T |
Mặc dù đang có tỷ lệ giải ngân cao, nhưng để đảm bảo đúng mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt từ 95% -100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao theo Nghị quyết 124/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Bình Định đang chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công đối với các dự án khởi công mới năm 2022, trong đó rà soát thủ tục đầu tư, khả năng hoàn thành, khả năng giải ngân vốn đã phân bổ trong các tháng còn lại năm 2022.
Với những dự án còn có vướng mắc, chưa phê duyệt dự án, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các chủ đầu tư phải báo cáo cụ thể tình hình thực hiện, trong đó nêu rõ nguyên nhân, khó khăn, hướng xử lý, điều chỉnh, gửi cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Riêng đối với các dự án trọng điểm của tỉnh được hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương, tỉnh Bình Định yêu cầu phải giải ngân đảm bảo 100% kế hoạch vốn giao.
Đồng thời, tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, lên kế hoạch giải ngân chi tiết, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa vùng và liên vùng; tập trung đẩy nhanh tiến độ và giải ngân đúng theo văn bản cam kết. Lấy kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi.
Đối với các dự án đã có khối lượng hoàn thành, tỉnh Bình Định yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng lên phiếu giá, gửi Kho bạc Nhà nước tỉnh để thực hiện thanh toán, không được để dồn vào cuối năm. Trường hợp các dự án không thể giải ngân hết kế hoạch giao năm 2022, các chủ đầu tư cần đề xuất cấp thẩm quyền (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để điều chỉnh kế hoạch vốn sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Các dự án chưa có khối lượng thanh toán do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và các nguyên nhân bất khả kháng khác, chủ đầu tư đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch hoặc giảm kế hoạch vốn.
Đối với các dự án thuộc kế hoạch năm 2022 có tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng tốt, nhưng chưa được đáp ứng kịp thời về vốn để thực hiện chi trả, chủ đầu tư khẩn trương trình UBND tỉnh xem xét, ứng trước kế hoạch vốn để thực hiện, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án./.