Bình Thuận vẫn còn 8 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 4.849 tỷ đồng, đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các công trình, dự án 4.235 tỷ đồng (đạt hơn 87% kế hoạch vốn được giao). Đến hết tháng 7 vừa qua, toàn tỉnh đã giải ngân trên 2.055 tỷ đồng, ước đạt 42,2% kế hoạch vốn được giao.
Hết tháng 7 vừa qua, tỉnh Bình Thuận giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 42,2% kế hoạch vốn được giao. Ảnh TL |
Mặc dù tỷ lệ giải ngân của tỉnh đang cao hơn mức trung bình của cả nước, nhưng theo báo cáo từ UBND tỉnh Bình Thuận, ngoài 8 chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 7 đạt trên 50% và 8 chủ đầu tư giải ngân trên 30% kế hoạch vốn năm 2023, hiện vẫn còn 8 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao.
Phấn đấu đến cuối năm giải ngân đạt tỷ lệ từ 95% trở lên, tỉnh Bình Thuận tiếp tục yêu cầu các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư phải được tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp đã được tỉnh đặt ra từ đầu năm.
Đối với các dự án đang thực hiện hoặc khởi công mới, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn của các dự án, đồng thời chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thi công và giải ngân của từng dự án.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các đơn vị phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cũng như gắn trách nhiệm của lãnh đạo, tổ chức, cá nhân với kết quả giải ngân của từng dự án được phân công. Quan tâm rà soát tỷ lệ giải ngân từng dự án, nhất là trường hợp có tỷ lệ giải ngân thấp để đánh giá lại tiến độ, điều chuyển số vốn không có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân cao, dự án đã quyết toán hoàn thành hoặc hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, kiên quyết không trả lại kế hoạch vốn năm 2023.
Với các cơ quan thẩm định chuyên ngành (Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường), UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu tăng cường công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, thẩm tra, cấp giấy phép… Qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ về thời gian thực hiện việc đầu tư xây dựng công trình, đảm bảo đúng quy định pháp luật và tích cực phối hợp xử lý khó khăn, vướng mắc nếu có phát sinh trong quá trình triển khai.
Với các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông, dân dụng và công nghiệp), UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu chủ động phối hợp sở ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh công tác kiểm kê, xác định tính pháp lý, áp giá đền bù cho tổ chức, cá nhân để sớm bàn giao mặt bằng, thúc tiến độ thi công công trình. Trường hợp dự án không vướng mặt bằng phải yêu cầu đơn vị nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công…/.