Bộ Tài chính dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác phần mềm quản lý tài sản công
Các điều kiện cụ thể để vận hành phần mềm
Tại dự thảo thông tư nêu rõ, Phần mềm Quản lý TSC là phần mềm do Bộ Tài chính xây dựng nhằm ứng dụng dịch vụ tài chính công trực tuyến hỗ trợ Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện: Tin học hóa quá trình báo cáo kê khai TSC tại cơ quan tổ chức, đơn vị sử dụng vốn NSNN; theo dõi tình hình biến động (tăng, giảm, thay đổi thông tin) về TSC tại các đơn vị; kết xuất báo cáo về TSC; tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị… để hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.
Bộ Tài chính dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm Quản lý tài sản công. Ảnh minh họa |
Theo đó, máy vi tính của cán bộ sử dụng, cán bộ quản trị phần mềm phải được kết nối internet. Máy vi tính phải chạy hệ điều hành Windows 7 trở lên; cấu hình máy tính CPU Dual-core 2Ghz, RAM 4GB, trình duyệt Firefox 27+, Chrome 30+, Safari 7+ trở lên, phải được cập nhật các bản vá lỗi hệ điều hành về an ninh; được cài đặt chương trình phần mềm diệt virus, được cập nhật thường xuyên các bản nhận dạng mẫu virus mới, các bản vá lỗi an ninh cho hệ điều hành.
Thông tin nhập vào Phần mềm phải sử dụng font chữ Unicode TCVN 6909:2001 gõ dấu tiếng Việt. Các văn bản dùng hệ font chữ khác với Unicode, phải được chuyển đổi sang định dạng font chữ Unicode TCVN 6909:2001 trước khi tải vào Phần mềm.
Điều kiện của cán bộ quản trị, cán bộ sử dụng là người được Bộ Tài chính cấp, duyệt tài khoản, phân quyền truy cập theo đề nghị bằng văn bản của cơ quan tài chính các Bộ, cơ quan trung ương; Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Việc khai thác, sử dụng thông tin được thực hiện theo đúng quy định hiện hành
Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính cũng quy định đơn vị nhập dữ liệu vào phần mềm bao gồm: Cơ quan tài chính các bộ, cơ quan trung ương, sở tài chính, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương; các đơn vị dự toán cấp 2 thuộc các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (như tổng cục, cục, vụ và tổ chức tương đương trực thuộc bộ, cơ quan trung ương; sở, ban, ngành thuộc tỉnh, phòng tài chính - kế hoạch các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các đơn vị tương đương.
Việc duyệt dữ liệu tài sản trên phần mềm cũng được dự thảo quy định rất rõ. Theo đó, đối với các tài sản là đất, nhà, xe ô tô, tài sản cố định khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản, cán bộ quản trị phần mềm có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu giữa báo cáo kê khai TSC và dữ liệu đã nhập vào phần mềm dể thực hiện duyệt dữ liệu.
Đối với tài sản cố định khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản (ngoài đất, nhà, xe ô tô), tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân sau khi cán bộ sử dụng Phần mềm nhập liệu thành công thì mọi thông tin về tài sản là số liệu chính thức, không thực hiện duyệt dữ liệu đối với các tài sản này.
Các bộ, cơ quan trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu kết nối Cơ sở dữ liệu về TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý vào Phần mềm Quản lý TSC phải được sự đồng ý của Bộ Tài chính trên cơ sở văn bản đề nghị của bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh.
Việc kết nối phải tuân thủ các quy định tại Thông tư số 67/2018/TT-BTC ngày 6/8/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC và Tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối dữ liệu vào Phần mềm Quản lý TSC ban hành kèm theo thông tư này.
Dữ liệu về TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi được kết nối vào Phần mềm là tài sản đã được duyệt. Các bộ, cơ quan trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác, kịp thời của dữ liệu kết nối.
Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng quy định việc khai thác, sử dụng thông tin trong phần mềm. Theo đó, việc khai thác, sử dụng thông tin trong phần mềm thực hiện theo quy định tại Điều 114 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Bộ Tài chính được khai thác, sử dụng thông tin về TSC tại cơ quan, tổ chức đơn vị; tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân trong phạm vi cả nước trong Phần mềm.
Các bộ, cơ quan trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị được phân cấp nhập liệu có quyền khai thác, sử dụng thông tin về TSC tại cơ quan, tổ chức đơn vị; tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thuộc phạm vi quản lý trong phần mềm.
Bên cạnh đó, dự thảo thông tư cũng quy định thông tin khai thác từ phần mềm được sử dụng để: Phục vụ công tác lập kế hoạch (ngắn hạn, dài hạn), công tác chỉ đạo, điều hành, báo cáo, phân tích dự báo của Chính phủ, của Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC; làm căn cứ để lập dự toán, xét duyệt quyết toán, quyết định, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, giám sát việc giao đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng TSC, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, khai thác, xử lý (thu hồi, bán, chuyển nhượng, điều chuyển, thanh lý, tiêu huỷ) TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước.