Bộ Tài chính tiếp thu, giải trình các quy định tại dự thảo Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng chợ
Rõ thẩm quyền quyết định xử lý thuộc UBND cấp tỉnh, huyện
Liên quan đến quy định về phát triển và quản lý chợ, trước đây Bộ Công thương đã chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2003/NĐ-CP (Nghị định 02) về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP (Nghị định 114) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02. Tuy nhiên, tại 2 nghị định này không quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT) chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Ngày 5/6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP (Nghị định 60) về phát triển và quản lý chợ. Tại Nghị định này đã bổ sung quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHT chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý, trong đó yêu cầu phải thực hiện kế toán đối với TSKCHT chợ. Đồng thời, tại điểm a khoản 3 Điều 38 Nghị định giao Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao TSKCHT chợ để phục vụ công tác quản lý, hạch toán, khai thác, xử lý tài sản.
Bộ Tài chính tiếp thu, giải trình các quy định tại dự thảo Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng chợ. Ảnh minh họa: H.T |
Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài chính đã dự thảo thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao TSKCHT chợ. Dự thảo được gửi xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, ngày 9/9/2024, Bộ Tài chính đã có Công văn số 9492/BTC-QLCS gửi lấy ý kiến của 92 đơn vị (29 bộ, ngành và 63 địa phương).
Báo cáo tổng hợp từ Bộ Tài chính cho biết, đa phần các ý kiến đều thống nhất với các quy định tại dự thảo của Bộ Tài chính. Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh quy định: “Căn cứ đặc điểm kỹ thuật của tài sản kết cấu hạ tầng chợ và thực tế tại địa phương; cơ quan, đơn vị được giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ quyết định việc ghi sổ kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thực hiện theo một hệ thống hoặc từng tài sản độc lập để việc ghi sổ kế toán”, với lý do thẩm quyền quyết định về quản lý, sử dụng, xử lý TSKCHT chợ đã được quy định tại Nghị định 60.
Với ý kiến này, Cục Quản lý công sản cho biết đã trình Bộ Tài chính cho phép giữ như dự thảo, do tại Nghị định số 60 đã quy định thẩm quyền quyết định xử lý thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Việc quy định UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định ghi sổ kế toán là phù hợp với thẩm quyền; đồng thời cũng để phù hợp hơn với nội dung về quyết định UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định tài sản phải trích khấu hao hoặc hao mòn.
Kiểm kê đột xuất khi có biến động lớn về tài sản
Để đảm bảo thống nhất với các thông tư đã ban hành quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao TSKCHT khác, có địa phương đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét quy định thống nhất tiêu chuẩn về nguyên giá tài sản xác định là tài sản cố định (TSCĐ) đối với tất cả TSKCHT chợ “có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên”; không có sự phân biệt với TSKCHT chợ tại đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
TSKCHT chợ tại ĐVSNCL thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao TSCĐ vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật và TSKCHT chợ tại ĐVSNCL được sử dụng toàn bộ thời gian vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới “đáp ứng tiêu chuẩn về nguyên giá TSCĐ theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp”.
Với ý kiến này, Cục Quản lý công sản cho biết, đã trình Bộ Tài chính cho phép giữ nguyên như dự thảo Thông tư. Lý do là đã có sự phân biệt về nguyên giá TSCĐ trong một số trường hợp để cơ quan, đơn vị hoạt động theo các mô hình khác nhau (và đang áp dụng cơ chế tài chính tương ứng với loại hình đơn vị) thuận lợi.
Đồng thời, với ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ biện pháp xử lý đối với TSKCHT chợ không còn nhu cầu sử dụng chưa tính đủ hao mòn hoặc chưa khấu hao hết theo quy định, Cục Quản lý công sản cho biết, phạm vi của Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao đối với TSKCHT chợ là TSCĐ do Nhà nước đầu tư, quản lý quy định tại khoản 16 Điều 3 Nghị định số 60. Còn các hình thức xử lý đối với TSKCHT chợ đã được quy định tại Mục 5 Nghị định số 60 bao gồm hình thức xử lý đối với TSKCHT chợ không còn nhu cầu sử dụng. Do đó, Cục Quản lý công sản trình Bộ Tài chính giữ nguyên quy định như tại dự thảo.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo công tác quản lý tài sản chặt chẽ và kịp thời, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm điều kiện kiểm kê đột xuất khi có sự biến động lớn về tài sản (ví dự như thiên tai, sự cố) vào quy định cơ quan quản lý tài sản thực hiện kiểm kê tài sản định kỳ hàng năm. Cục Quản lý công sản đã tiếp thu, bổ sung tại dự thảo quy định: “Cơ quan, đơn vị được giao quản lý TSKCHT chợ có trách nhiệm thực hiện kiểm kê tài sản định kỳ hàng năm hoặc kiểm kê đột xuất theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền”.
Những tham gia, góp ý của các bộ, ngành, địa phương đã được Bộ Tài chính tiếp thu, giải trình và hoàn thiện lại dự thảo để trình các quan có thẩm quyền xem xét sớm ban hành. Thông tư ra đời sẽ là cơ sở pháp lý để các đơn vị đang quản lý TSKCHT chợ thực hiện chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản giúp việc quản lý, sử dụng tài sản công ngày càng hiệu quả hơn.
Tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương góp ý dự thảo Thông tư