“Cẩm nang” giúp các ngành, địa phương thuận lợi kiểm kê tài sản công
Đoàn công tác Cục Quản lý công sản kiểm tra thực tế việc kiểm kê tại Cảng cá Ngọc Hải, Đồ Sơn, TP. Hải Phòng. Ảnh: Hạnh Thảo |
Đảm bảo hạch toán tài sản đầy đủ, đúng quy định
Tài sản công (TSC) là cơ sở vật chất để phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Việc tổng kiểm kê TSC là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực của tài sản (TS) trong nền kinh tế.
Tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong năm 2025 phải hoàn thành việc tổng kiểm kê TSC. Tại Nghị quyết số 53/NQ/CP ngày 14/4/2023, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng kiểm kê theo nghị quyết của Quốc hội.
Đây không phải là lần đầu tiên cả nước thực hiện tổng kiểm kê tài sản công. Trước đó, đã thực hiện 1 lần duy nhất vào năm 1998, tuy nhiên, chỉ thực hiện đối với nhóm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Còn tại cuộc tổng kiểm kê tài sản công lần này có quy mô lớn hơn rất nhiều và bao quát đầy đủ các loại hình tài sản công.
|
Để thực hiện tốt việc tổng kiểm kê trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định về việc triển khai kiểm kê thử nghiệm TSC tại một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và 6 địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bắc Kạn).
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, qua nắm bắt tình hình thực tế, có một số đơn vị đã được bàn giao TS đưa vào sử dụng nhưng chưa có biên bản bàn giao, chưa được bàn giao hồ sơ, giá trị TS nên chưa thực hiện hạch toán TS. Đồng thời, việc hạch toán, theo dõi đối với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT), nhất là TSKCHT giao thông và thủy lợi còn hạn chế. Việc này sẽ gây khó khăn cho công tác tổng kiểm kê TSC chính thức sắp tới.
Khắc phục ngay tình trạng này, Bộ Tài chính đã có Công văn số 7011/BTC-QLCS yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác đầu tư xây dựng, mua sắm và cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng TS rà soát việc bàn giao, tiếp nhận, hạch toán TS, bảo đảm TS đã đưa vào sử dụng phải được quản lý, hạch toán theo quy định.
Đầy đủ các mẫu, biểu, dễ dàng thực hiện
Với sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ Tài chính, các hướng dẫn, mẫu, biểu phục vụ công tác tổng kiểm kê TSC toàn quốc đã nhanh chóng được ban hành. Đây sẽ là “cẩm nang” giúp các bộ, ngành, địa phương không còn bị lúng túng trong kê khai, kiểm kê TSC do đơn vị mình đang quản lý, sử dụng. Từ đó giúp cho việc tổng kiểm kê TSC toàn quốc thành công.
Cụ thể, để thuận lợi và dễ dàng trong thực hiện, Bộ Tài chính vừa ban hành văn bản số 8131/BTC-QLCS hướng dẫn thực hiện tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và TSKCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Tại văn bản này, ngoài việc ban hành đầy đủ các mẫu, biểu, Bộ Tài chính đã quy định rõ từng loại TS để xác định chỉ tiêu về giá trị tại các mẫu, biểu. Theo đó, đối với TS đang được theo dõi trên sổ kế toán thì xác định giá trị TS theo nguyên giá và giá trị còn lại của TS trên sổ kế toán tại thời điểm kiểm kê.
Đối với TS chưa được theo dõi trên sổ kế toán, đối tượng thực hiện kiểm kê có trách nhiệm căn cứ vào các hồ sơ liên quan đến TS để xác định nguyên giá, giá trị còn lại của TS…
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng nêu rõ, đối tượng thực hiện kiểm kê TSC có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm kê cho cơ quan quản lý cấp trên (nếu có cơ quan quản lý cấp trên) hoặc cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm kê (nếu không có cơ quan quản lý cấp trên).
Riêng Bộ Giao thông vận tải tổng hợp báo cáo kết quả kiểm kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, doanh nghiệp do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp báo cáo kết quả kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và của Liên đoàn Lao động cấp tỉnh (bao gồm cả TS của Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và Liên đoàn Lao động cấp huyện).
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên cơ sở báo cáo của UBND cấp huyện, báo cáo của các sở, ngành, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh, báo cáo của văn phòng tỉnh ủy, thành ủy, kết quả kiểm kê của các doanh nghiệp do UBND cấp tỉnh là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm kê của các cơ quan của Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng là đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc văn phòng tỉnh ủy, thành ủy.
Sở, ngành, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc sở, ngành, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh.
UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của huyện, xã trên cơ sở báo cáo của UBND cấp xã, báo cáo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc huyện quản lý (bao gồm cả văn phòng huyện ủy là đơn vị dự toán thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện).
UBND cấp xã chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của xã./.