Cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tính hao mòn, khấu hao đối với tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch nông thôn
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Ảnh: Việt Đức |
Trong ngày 11-12/7, tại tỉnh Hòa Bình, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị “Triển khai quy định về quản lý, sử dụng, khai thác công trình cấp nước sạch và công tác quản lý tài sản công”.
Sớm hoàn thiện dự thảo thông tư
Báo cáo tại hội nghị, bà Tạ Thanh Tú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, Nghị định số 43/2022/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 43) ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, có hiệu lực thi hành từ ngày 8/8/2022 bao gồm 3 chương, 29 điều.
Trong đó, Nghị định 43 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT) cấp nước sạch do Nhà nước đầu tư, quản lý, gồm: TSKCHT cấp nước sạch nông thôn tập trung, TSKCHT cấp nước sạch đô thị.
Nghị định không điều chỉnh đối với các trường hợp TSKCHT cấp nước sạch không do Nhà nước đầu tư, quản lý; TSKCHT cấp nước sạch tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế; TSKCHT cấp nước sạch nhỏ lẻ…
Để sớm đưa nghị định vào triển khai thực hiện, Bộ Tài chính giao Cục Quản lý công sản chủ trì xây dựng dự thảo thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.
“Đến nay, đã có 14 ý kiến tham gia của bộ, ngành và 45 ý kiến tham gia của địa phương; trong đó có 27 địa phương và 7 bộ, ngành thống nhất với nội dung dự thảo. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, Cục Quản lý công sản sẽ sớm hoàn thiện dự thảo thông tư” - bà Tú cho hay.
Liên quan đến góp ý cho dự thảo thông tư, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản nhấn mạnh điểm liên quan đến thời gian sử dụng để tính hao mòn và khấu hao đối với công trình cấp nước sạch nông thôn, cấp nước sạch đô thị. Theo ông Thịnh, qua lấy ý kiến các địa phương, một số địa phương có ý kiến hiện nay theo tiêu chuẩn kỹ thuật đối với công trình cấp nước sạch là công trình vĩnh cửu. Từ thực tiễn của đơn vị, quy định thời hạn 20 năm để tính hao mòn, khấu hao có phù hợp hay không? Trong đó, khấu hao là tính vào giá thành của kinh doanh nước sạch...
Tại hội nghị, nhiều đại biểu là lãnh đạo sở tài chính, sở xây dựng, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, giám đốc trung tâm nước sạch các địa phương đã nêu những vướng mắc, đóng góp ý kiến bổ sung vào dự thảo thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.
Đẩy nhanh cập nhật tài sản hạ tầng nước sạch nông thôn tập trung
Đánh giá tình hình xây dựng, cập nhật tài sản hạ tầng nước sạch nông thôn tập trung vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, bà Trần Diệu An - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, tính đến ngày 31/5/2022, trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đã cập nhật được thông tin các đơn vị quản lý như sau: Đơn vị sự nghiệp công lập là 81 đơn vị; doanh nghiệp 24 đơn vị; UBND cấp xã là 12.145 đơn vị. Trong đó, tổng số lượng tài khoản đã được cấp là 203 tài khoản, có 64 tài khoản quản trị và 139 tài khoản nhập liệu...
Phần mềm đã cập nhật được dữ liệu thông tin ban đầu về tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và từng bước cập nhật biến động các dữ liệu thông tin biến động về tài sản công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước.
Theo bà An, phần mềm quản lý tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được xây dựng và triển khai từ năm 2014. Tuy nhiên, đến nay phần mềm chưa được thực hiện nâng cấp để đáp ứng các quy định của pháp luật được ban hành trong thời gian qua, như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.
Nguyên nhân do các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mực đến việc cập nhật, rà soát chuẩn hóa dữ liệu trong phần mềm quản lý tài sản công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
Để giải quyết thực trạng trên, bà An cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến việc tính hao mòn, khấu hao đối với tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch nông thôn tập trung cũng như các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về công trình cấp nước sạch; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện báo cáo kê khai, nhập, duyệt, chuẩn hóa, khai thác dữ liệu; quy định việc sử dụng thông tin số, báo cáo số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành về tài sản hạ tầng cấp nước sạch.
Đồng thời, thực hiện nâng cấp phần mềm, hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu theo các quy định hiện hành đối với tài sản là công trình cấp nước sạch, bảo đảm sự kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công./.
Lập phương án giao, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch theo Nghị định số 43
Bà Trần Diệu An - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản kiến nghị, UBND cấp tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính, đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, phân loại tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch hiện có; thực hiện kiểm tra hiện trạng, lập biên bản kiểm tra tình hình quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; lập phương án giao, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch theo Nghị định số 43.
Cơ quan được giao quản lý tài sản, cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch, sở tài chính thực hiện báo cáo kê khai, nhập, duyệt dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch vào Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chính xác theo quy định... |