Chính sách hàng nhập khẩu để gia công xuất khẩu nhưng không có cơ sở để gia công
Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định: Người nộp thuế hoặc tổ chức, cá nhân nhận gia công lại cho người nộp thuế có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở gia công hàng hóa XK và máy móc, thiết bị tại cơ sở gia công trên lãnh thổ Việt Nam và phải thực hiện thông báo cơ sở gia công, gia công lại; hợp đồng gia công, hợp đồng gia công lại, phụ lục hợp đồng gia công, phụ lục hợp đồng gia công lại cho cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật hải quan. Trường hợp người nộp thuế thông báo cơ sở gia công lại, hợp đồng gia công lại không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hải quan thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan theo quy định”.
Theo quy định, điều kiện về cơ sở gia công yêu cầu “người nộp thuế” hoặc “tổ chức, cá nhân nhận gia công lại cho người nộp thuế” phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở gia công; không yêu cầu đồng thời cả hai đối tượng trên phải có cơ sở gia công hàng gia công XK. Trường hợp cả hai đối tượng trên đều không có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở gia công hàng hóa XK thì không đủ điều kiện về cơ sở gia công để được miễn thuế.
Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, việc giao toàn bộ hàng hóa NK để thuê gia công lại được miễn thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP.
Trong đó, việc thông báo cơ sở sản xuất (bao gồm cơ sở gia công, gia công lại, cơ sở sản xuất hàng hóa XK và nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị, sản phẩm XK) thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 36 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC.
Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Hà Nội căn cứ các quy định nêu trên, đối chiếu với thực tế hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa của DN để xử lý thuế theo quy định./.