Chủ động đề phòng, kiểm soát lạm phát đi đôi với thúc đẩy tăng trưởng
Dù lạm phát dự báo tiếp tục giảm trong 6 tháng cuối năm nhưng giá cả trên thị vẫn có chiều hướng tăng. Ảnh: TL |
PV: Ông có bình luận gì về mức lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023? Con số lạm phát thấp trong nửa đầu năm 2023 ẩn chứa điều gì và có đáng lo ngại không, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Hiến |
TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mức lạm phát cơ bản bình quân của 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 4,74%. Nếu so với mục tiêu mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra thì đây là mức nằm trong mục tiêu ban đầu.
Mức lạm phát này là con số đáng mừng, nhưng cũng đặt ra một số vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần phải quan tâm và suy nghĩ khi mà tăng trưởng nửa đầu năm 2023 của kinh tế Việt Nam khá thấp so với cùng kỳ của những năm trước đây.
Con số lạm phát này vẫn nằm trong mục tiêu đề ra, nên cũng không đáng lo ngại rằng đây là dấu hiệu giảm phát của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong điều hành kinh tế vĩ mô, mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng chứ không phải chỉ dừng lại ở kiềm chế lạm phát. Cho nên, kiềm chế lạm phát phải đi đôi với tăng trưởng. Đây là vấn đề đặt ra cho các nhà điều hành kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm nếu như muốn đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
PV: Hiện tại đã đi qua hơn 1 nửa năm 2023, ông có bình luận gì về rủi ro, cũng như áp lực về lạm phát với kinh tế Việt Nam?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Tỷ lệ lạm phát, cũng như tình hình kinh tế trong nước và thế giới đầu năm 2023 cho thấy áp lực về lạm phát và kiểm soát lạm phát ở Việt Nam đã giảm đi rất nhiều so với dự báo trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn những nguy cơ đe dọa khả năng kiềm chế lạm phát trong 6 tháng cuối năm.
Ví dụ như vấn đề về giá năng lượng và giá nguyên liệu đầu vào vẫn đang ở mức cao và còn có thể có những biến động khó lường, do sự bất ổn của địa chính trị thế giới. Việt Nam là nước xuất khẩu dựa trên đầu vào nhập khẩu lớn nên điều đó báo hiệu khó khăn vẫn còn ở phía trước.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng cơ bản như giá lương thực - thực phẩm, đồ uống, may mặc, các đồ dùng thiết yếu của người dân theo quy luật của các năm thường tăng cao vào những tháng cuối năm, do nhu cầu của người dân tăng lên. Đó cũng là nguy cơ dẫn đến lạm phát gia tăng. Đồng thời, việc Chính phủ thực hiện tăng lương tối thiểu áp dụng từ 1/7/2023 sẽ là yếu tố tác động kéo theo giá các dịch vụ hàng hóa tăng lên và đây cũng là một trong các yếu tố có thể gây áp lực nên lạm phát.
Vì vậy, mặc dù áp lực kiềm chế lạm phát của năm 2023 đã giảm đi nhiều so với dự báo, nhưng nguy cơ thì vẫn ở phía trước, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách luôn phải cảnh giác và có những biện pháp đề phòng.
PV: Như vậy, lạm phát sẽ không còn là mối lo trong điều hành vĩ mô của năm 2023, thưa ông? Ông dự báo thế nào về lạm phát trung bình cả năm 2023?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Những diễn biến gần đây của kinh tế Việt Nam cho thấy, lạm phát không còn là mối lo trong điều hành vĩ mô trong năm 2023. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, do tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn trong 6 tháng đầu năm, nên những tháng cuối năm, để thúc đẩy tăng trưởng, chắc chắn Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ và tài khóa. Điều đó dự báo sẽ tác động đến áp lực lạm phát gia tăng, nên dự báo mức lạm phát trung bình của 6 tháng cuối năm có thể là 4,7- 4,8%. Mức đó là mức có thể chấp nhận được, vừa đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng, vừa kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Và đây là mức không đáng lo.
Tuy vậy, tôi cho rằng, trong tình hình kinh tế hiện nay, để thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn nữa, Chính phủ nên mạnh dạn áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ và chấp nhận tỷ lệ lạm phát cao hơn, có thể là mức trên dưới 5% để có thể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023.
PV: Vậy điều gì cần chú ý trong điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát từ nay tới cuối năm, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo con số thống kê, GDP trong nước quý II/2023 chỉ đạt khoảng 4,1% so với năm trước, chỉ cao hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng của quý II/2020 - thời điểm cao điểm của dịch Covid-19 và khá thấp trong hơn 10 năm trở lại đây. Vì vậy, áp lực về tăng trưởng những tháng cuối năm đặt ra sẽ lớn hơn mục tiêu kiểm chế lạm phát.
Chúng ta phải áp dụng rất nhiều những biện pháp, kể cả những giải pháp tài khóa và tiền tệ, kể cả những giải pháp liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường. Những giải pháp này cần phải được áp dụng đồng bộ để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng của 6 tháng cuối năm 2023.
Liên quan đến mở rộng tài khóa, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Về tiền tệ, các giải pháp nới lỏng một cách có kiểm soát tiền tệ đã và đang được nghiên cứu ban hành. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải rất quan tâm đến vấn đề nới lỏng kinh tế sẽ tác động tới lạm phát. Phải quan sát, nghe ngóng tình hình thị trường xem việc nới lỏng tiền tệ như vậy có gây ra đột biến về cung tiền và có gây ra áp lực tăng giá cả hàng hóa hàng tiêu dùng dẫn đến tăng áp lực lạm phát hay không, để vừa đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng, vừa đảm bảo được mục tiêu kiềm chế lạm phát.
PV: Xin cảm ơn ông!
Lạm phát trung bình 6 tháng cuối năm có thể từ 4,7 - 4,8%
Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn trong 6 tháng đầu năm, nên những tháng cuối năm, để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ và tài khóa. Điều đó dự báo sẽ tác động đến áp lực lạm phát gia tăng nên dự báo mức lạm phát trung bình của 6 tháng cuối năm có thể là 4,7- 4,8%. |