Cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có gì mới?
Theo đó, việc xác định mức đảm bảo chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp được áp dụng theo công thức sau: Mức tự đảm bảo chi thường xuyên = (A/B) x 100%.
Trong đó: A là tổng các khoản thu xác định mức tự chủ tài chính (theo Điều 10, khoản 1, điểm a Nghị định 60/2021/NĐ-CP). B là tổng các khoản chi xác định mức tự chủ tài chính (theo Điều 10, khoản 1, điểm b Nghị định 60/2021/NĐ-CP).
Mức tự đảm bảo chi thường xuyên = (A/B) x 100%. Ảnh: Đức Minh |
Một số nội dung chi xác định như sau:
Chi tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định theo số lượng người làm việc được giao hoặc số lượng vị trí việc làm được phê duyệt; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có);
Chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ (áp dụng đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập);
Chi hoạt động chuyên môn; chi quản lý; chi bảo trì, bảo dưỡng tài sản thường xuyên, chi mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên từ nguồn kinh phí giao tự chủ (không bao gồm các khoản chi theo dự án/đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí kinh phí thường xuyên không giao tự chủ) và các khoản chi thường xuyên khác;
4 nhóm đơn vị sự nghiệp công Đơn vị sự nghiệp công được phân loại theo mức tự chủ tài chính, quy định tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, gồm: đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. |
Các khoản chi xác định mức độ tự chủ tài chính (B) không bao gồm các khoản chi thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân.
Thông tư cũng nêu hướng dẫn rõ, các khoản thu, chi được tính trên cơ sở dự toán thu, chi tại năm kế hoạch xây dựng phương án tự chủ tài chính để trình cấp có thẩm quyền, có xét đến các yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước, khả năng chi trả của các đối tượng thụ hưởng, tác động khách quan do thiên tai, dịch bệnh và các biến động kinh tế - xã hội bất thường khác.
Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo theo đúng quy định của pháp luật và dự kiến về yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước, thiên tai, dịch bệnh, điều kiện kinh tế - xã hội.
Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/11/2022./.