CPI tháng cuối năm không nhiều biến động
Giá thịt lợn, rau xanh ổn định
Tháng cuối cùng của năm 2021, tình hình giá cả thị trường không có nhiều biến động. Tại một số địa phương lớn, sức mua của thị trường khá thấp so với trước đây. Đây cũng là yếu tố khiến giá cả thị trường duy trì ổn định và nhiều mặt hàng có xu hướng giảm giá. Đó là chưa kể nhiều địa phương đã tiến hành chương trình khuyến mãi tập trung kéo dài trong vòng 2 tháng, từ giữa tháng 11 đến tháng 1/2022. Sở dĩ, nhiều địa phương thực hiện chương trình khuyến mãi kéo dài do năm nay trải qua đợt dịch Covid-19, sức mua giảm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi sản xuất - kinh doanh nên chương trình tổ chức kéo dài nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cải thiện đầu ra cho sản phẩm.
Ảnh:T.L |
Giá thịt lợn về cơ bản vẫn ổn định, dù giá thịt lợn hơi giảm mạnh, nhưng giá trên thị trường không giảm tương ứng. Giá thịt lợn hơi những ngày gần đây đã điều chỉnh giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó. Tại miền Bắc, các tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc và Hưng Yên giảm lần lượt từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi về chung mức 50.000 đồng/kg. Tại Hà Nội hiện là địa phương có giá lợn hơi cao nhất khu vực ở mức 51.000 đồng/kg.Điểm lại giá cả hàng hóa các mặt hàng thiết yếu mới thấy ở thời điểm này, giá cả khá bình ổn. Mặt hàng rau xanh tại nhiều địa phương sau đợt tăng giá cao đến nay đã giảm nhiệt, nguồn cung dồi dào. Tại Hà Nội, sau nhiều ngày tăng giá do nguồn cung thiếu hụt, từ đầu tháng 12/2021 đến nay, nguồn cung rau củ dồi dào, đẩy giá rau xanh trên thị trường giảm mạnh khoảng 30% - 50% so với tháng 11/2021. Ví dụ rau cải ngọt có thời điểm giá bán lên đến 40.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 5.000 đồng/kg, cải mơ 10.000 - 20.000 đồng/mớ, hiện chỉ còn 5.000 đồng/mớ. Rau cải cúc 5.000 đồng/mớ, rau cần 10.000 đồng/mớ, su hào 8.000 đồng/củ, hoa lơ xanh 18.000 đồng/kg, bắp cải Mộc Châu 15.000 - 20.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng cà chua vẫn giữ ở mức cao, từ 40.000 - 55.000 đồng/kg.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với mức giá thịt lợn từ 50.000 đồng/kg trở lên, các trang trại chăn nuôi lớn bắt đầu có lãi nhưng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn lỗ. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp điều chỉnh tăng cùng với thị trường kém sôi động, giá thấp, dịch bệnh phức tạp... là những yếu tố khiến người dân thận trọng khi tăng đàn, tái đàn. Đây cũng có thể là áp lực tăng giá thịt lợn trong thời gian tới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán đang tới gần.
Nhiều mặt hàng đầu vào nền kinh tế giá cả hạ nhiệt
Những tháng đầu năm, đáng lo ngại nhất là giá xăng dầu, giá thép xây dựng “nhẩy múa” khiến dư luận lo ngại tác động lên lạm phát nước ta.
Nhưng đáng mừng, trong 2 phiên điều hành gần đây, giá xăng dầu liên tục giảm. Thời điểm ngày 10/12, giá xăng, dầu đồng loạt giảm mạnh. Mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm 830 đồng, RON 95 giảm 1.100 đồng, các mặt hàng dầu đồng loạt giảm 870-1.050 đồng. Như vậy, sau khi tăng lên mức cao nhất trong 7 năm, 24.990 đồng một lít vào ngày 10/11, giá xăng bán lẻ trong nước có hai đợt giảm liên tiếp với tổng cộng 2.190 đồng mỗi lít dành cho xăng RON 95 và 1.580 đồng với xăng E5 RON 92.
Những ngày gần đây, giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp đà giảm giá. Tuy nhiên cũng có dự báo, biến thể Omicron có thể đe dọa sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu thế giới.
Đáng chú ý, cùng với đà giảm giá của mặt hàng xăng dầu, giá bán thép xây dựng trong nước điều chỉnh giảm từ 200.000-300.000 đồng/tấn vào đầu tháng 12, ở mức bình quân khoảng 15.900-16.000 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể. Đây cũng là tín hiệu vui cho nền kinh tế, khi cuối năm, nhiều dự án đầu tư công đang được đẩy mạnh, việc giảm giá vật liệu xây dựng sẽ góp phần giảm giá thành, thúc đẩy giải ngân.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dự báo, cuối năm, còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, tuy nhiên không quá lo ngại.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã phân tích một số nguyên nhân gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời điểm tháng cuối năm, một số mặt hàng thiết yếu biến động tăng giá như: Thức ăn chăn nuôi, phân bón, trong nước tăng do tác động tăng mạnh từ giá thế giới; giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu trong một số thời điểm đầu năm; giá một số mặt hàng thực phẩm tăng cục bộ vào thời điểm ngày lễ, Tết theo quy luật nhưng sớm trở lại bình thường sau Tết. Tuy nhiên, CPI cả năm dự báo tăng thấp so với mục tiêu đề ra./.