Đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công đã có tín hiệu tích cực
![]() |
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Minh họa |
Nhiều công trình trọng điểm "vượt nắng, thắng mưa"
Một động thái rất chủ động được ghi nhận là ngay sau khi Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công năm 2024, đến nay các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết được hơn 96% kế hoạch được giao.
Thực tế này thể hiện sự vào cuộc tích cực, tập trung trên diện rộng cũng như quyết tâm cao của cả hệ thống ngay từ những ngày đầu năm mới.
Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các tổ công tác đôn đốc, giải ngân vốn đầu tư công; trực tiếp làm việc, nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ở địa phương ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với nâng cao năng lực thực thi, phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát; phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tháng 1/2024, số vốn đầu tư công giải ngân đạt khoảng 16.900 tỉ đồng, tương đương 2,58%. Trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 1,8% với số vốn giải ngân là 12.800 tỉ đồng. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 1.2024 khởi sắc là nhờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao, xác định rõ vấn đề vướng mắc, khó khăn trong từng ngành, từng lĩnh vực, trong từng khâu của dự án đầu tư công.
Nhiều công trình giao thông quan trọng đã được thi công xuyên Tết Giáp Thìn với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "thi công ba ca - bốn kíp" để đạt và vượt tiến độ. Đơn cử như 12 dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025, năm đầu triển khai còn vướng mắc nhiều về mặt bằng và vật liệu xây dựng, nhưng các chủ đầu tư, nhà thầu đã nỗ lực tổ chức thi công, bám sát tiến độ đề ra.
Các dự án cao tốc khác như Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang; Cao Lãnh - An Hữu; Bến Lức - Long Thành đang được các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai bám sát tiến độ đề ra.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và dự án Bến Thành - Suối Tiên đang được Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong hợp đồng, đào tạo nhân sự, hoàn tất thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu công trình, chứng nhận an toàn hệ thống để phấn đấu vận hành đoạn tuyến Nhổn - ga Hà Nội và dự án Bến Thành - Suối Tiên vào tháng 7/2024.
Với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, các gói thầu như nhà ga hành khách, công trình phục vụ quản lý bay đã được Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai bám sát tiến độ.
Phấn đấu giải ngân ít nhất 95%
Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các đầu mối, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công đều tăng tốc độ thi công, giải ngân vốn theo tinh thần chủ động “chạy đua với thời gian”. Tất cả đều ý thức hơn trong việc vào cuộc từ đầu năm, cố gắng tranh thủ thời gian nhằm giải ngân vốn đầu tư công ở mức tối đa.
Ở địa phương, nhiều tỉnh cũng chủ động thực hiện giải ngân ngay từ đầu năm 2024. Chính quyền tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Theo đó, từng chủ đầu tư phải giải ngân vốn do mình quản lý, theo các mốc thời gian, bảo đảm đến ngày 30/6/2024 phải đạt ít nhất 50% kế hoạch vốn; đến ngày 30.9 đạt 70%; đến ngày 30/11 đạt 90% và đến ngày 31/12/2024 phải đạt 100%. Tỉnh thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Phát huy hiệu quả đầu tư công, bảo đảm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Hà Nội quán triệt quan điểm chỉ đạo là vốn đầu tư công phải được giao ngay từ đầu năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; quyết liệt triển khai nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu tiên của năm 2024, tránh tình trạng dồn giải ngân vào cuối năm.
Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1)... là những công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao. Hà Nội phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao.
Năm 2024 là năm tăng tốc để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Nguồn vốn đầu tư công không chỉ là một trong những động lực quan trọng, một sự kích thích quan trọng có tác dụng lan tỏa tới các nguồn vốn khác, mà còn là “mệnh lệnh” để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024 toàn quốc dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là hạ tầng giao thông, phấn đấu giải ngân ít nhất 95%.
Mặc dù tổng vốn đầu tư công năm 2024 giảm nhẹ so với năm 2023 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tình hình quốc tế dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, để đạt mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn đầu tư công được giao, cần nhiều giải pháp quyết liệt từ tất cả các cấp, ngành, địa phương và chủ đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua đã cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung nguồn lực vào các công trình lớn, dự án giao thông trọng tâm, trọng điểm, nhất là dự án đường cao tốc. Đồng thời, ông cho biết, năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt số vốn giao cho các bộ ngành, địa phương đã đạt khoảng 97%... số tuyệt đối đạt gần 676.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146.000 tỷ đồng so với năm 2022. Dù các đơn vị nỗ lực thúc đẩy các dự án, nhưng một số công trình chậm do thủ tục đầu tư kéo dài, giải phóng mặt bằng chậm, chưa chủ động nguyên vật liệu do vướng quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, năng lực phân tích, lập kế hoạch, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, khó khăn vướng mắc phát sinh; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực. Tiếp đó là việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực…/.
Tin cùng chuyên mục

Yêu cầu nhanh chóng rà soát, phân loại quỹ nhà, đất không sử dụng

Tổng kiểm kê tài sản công: Đã hoàn thành giai đoạn kiểm đếm thực tế

Tiêu chí lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công

Nhiều bộ, ngành, địa phương gần “về đích” kiểm kê tài sản công

EU sẽ không áp dụng các biện pháp phòng thủ về thuế và phi thuế đối với Việt Nam
Tin khác

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công

Kiểm tra công tác tổng kiểm kê tài sản công tại 16 địa phương

Tăng mức phạt vi phạm hành chính để bảo vệ người tiêu dùng

Một số bộ, địa phương thực hiện tốt công tác tổng kiểm kê tài sản công

Chính phủ yêu cầu sắp xếp lại văn phòng đại diện, nhà khách của bộ, cơ quan trung ương tại TP. Hồ Chí Minh

Khẩn trương rà soát, tháo gỡ các dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài

Nhiều điểm sáng trong bức tranh nợ công

Người nộp thuế không mua, bán, sử dụng hóa đơn điện tử không hợp pháp dưới mọi hình thức

Năm 2025, bộ, ngành, địa phương đã phân bổ vốn đầu tư công đạt trên 96%
