Đồng bộ nhiều giải pháp giúp Tiền Giang luôn dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công
PV: Xin ông cho biết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Tiền Giang cho đến thời điểm này?
Ông Nguyễn Đình Thông: Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh Tiền Giang là 5.294,9 tỷ đồng, trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương là 3.463,3 tỷ đồng, chiếm 65,4% và vốn ngân sách trung ương là 1.831,6 tỷ đồng, chiếm 34,6%. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ 100% số vốn trên đến các chủ đầu tư, các sở, ngành và địa phương.
Ông Nguyễn Đình Thông |
Với nguồn vốn được giao, tỉnh đã bố trí tập trung cho việc thực hiện các lĩnh vực trọng điểm đã đề ra trong Nghị quyết đại hội 2020 - 2025 như: Giao thông, giáo dục, y tế, đầu tư xây dựng huyện, xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Trong năm 2023, tỉnh phấn đấu ra mắt 2 huyện nông thôn mới là Cái Bè và Châu Thành.
Dự kiến hết tháng 5/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh đạt trên 45% kế hoạch vốn được giao.
PV: Từ nhiều năm trở lại đây, tỉnh Tiền Giang luôn đứng trong top đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao. Đặc biệt, tại thời điểm này, theo báo cáo từ Bộ Tài chính hiện tỉnh đang đứng đầu trong top đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. Xin ông chia sẻ một vài kinh nghiệm cũng như giải pháp mà tỉnh đã và đang thực hiện để có kết quả này?
Ông Nguyễn Đình Thông: Kết quả này có được là do tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là các giải pháp về giải phóng mặt bằng. Theo đó, xác định công tác giải phóng mặt bằng là yếu tố quan trọng trong việc triển khai các dự án đầu tư công, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật cùng sự đồng thuận của nhân dân.
Đặc biệt, để có mặt bằng sạch triển khai thi công các dự án, tỉnh Tiền Giang đã ứng vốn từ Quỹ phát triển đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tỉnh đã thành lập các ban chỉ đạo để tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm cũng như thường xuyên, kiểm tra tháo gỡ cụ thể về công tác giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, để tập trung cho công tác giải ngân vốn, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ đầu tư phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc các dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án sử dụng vốn ngân sách trưng ương...
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị này hàng tuần phối hợp Kho bạc Nhà nước tỉnh theo dõi việc giải ngân cụ thể từng công trình, dự án để nắm bắt những vướng mắc, khó khăn trong triển khai, giải ngân và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời cho những dự án, công trình đó. Thực hiện hiện điều chuyển vốn giữa các công trình, dự án có khối lượng, nhu cầu giải ngân thấp sang các dự án, công trình có khối lượng, nhu cầu giải ngân cao...
Dự án Đầu tư hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên ĐT.864 (giai đoạn 1) đến nay đã giải ngân đạt 60,6% kế hoạch đầu tư công năm 2023. Ảnh TL minh họa |
Bên cạnh việc chú trọng công tác giải ngân vốn, tỉnh Tiền Giang còn đặc biệt quan tâm tới chất lượng công trình, dự án. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản nâng thời gian bảo hành của các công trình, dự án theo các loại công trình.
Với vai trò và nhiệm vụ được giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh Nghị quyết dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 ngay kỳ họp giữa năm 2022. Trên cơ sở đó các sở, ngành địa phương tập trung công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án.
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai và giao kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu tháng 12/2022, ngay sau khi HĐND tỉnh họp thông qua để các địa phương thông qua họp HĐND cấp mình và tổ chức thi công ngay từ những tháng mùa khô đầu năm 2023.
PV: Để duy trì thành tích cao về giải ngân trong cả nước và để đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất khi hết năm ngân sách, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có tham mưu gì với UBND tỉnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Thông: Năm 2023, tỉnh Tiền Giang phấn đấu giải ngân 100% vốn vào cuối tháng 12/2023 (trước 1 tháng so với quy định, nhất là nguồn vốn ngân sách địa phương). Do đó, bên cạnh các giải pháp tỉnh đã và đang triển khai có hiệu quả, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, tập trung đôn đốc công tác chuẩn bị đầu tư (đặc biệt là khâu lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình), công tác đấu thầu, đấu thầu qua mạng, thi công, thanh quyết toán công trình, dự án... Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn tất hồ sơ, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư.
Thực hiện theo dõi công tác giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 giữa nội bộ chủ đầu tư và các chủ đầu tư.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã.
Về công tác nghiệm thu, thanh toán, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải thực hiện nghiệm thu, thanh toán vốn với Kho bạc nhà nước ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
UBND tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện các công trình, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia…
Đặc biệt là dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (do tăng tổng mức đầu tư), UBND tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ…trong trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, nguồn vốn tăng thêm… để đảm bảo giải ngân 100% vốn của dự án này.
PV: Xin cảm ơn ông!