Giải ngân vốn đầu tư công: Kho bạc giải quyết nhanh gọn các thủ tục thanh toán vốn
Các đề nghị thanh toán vốn đều được xử lý kịp thời
Giải ngân vốn đầu tư công là một lĩnh vực liên quan đến nhiều cấp, ngành, nhiều cơ chế quản lý của Nhà nước. Việc chậm giải ngân sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội nơi dự án được triển khai.
Trước thực trạng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương đang rất chậm (theo báo cáo tổng hợp từ Bộ Tài chính, TP. Hồ Chí Minh đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân thấp khi dự kiến hết tháng 4 mới đạt 3,48% kế hoạch vốn giao), Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP. Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc KBNN TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngoài việc tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư gửi hồ sơ thanh toán vốn khi có khối lượng được nghiệm thu, KBNN TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện phân cấp, giao nhiệm vụ đến từng đơn vị KBNN trực thuộc thực hiện kiểm soát các dự án sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn, tạo điều kiện chủ động, thuận lợi cho chủ đầu tư và thống nhất đầu mối kiểm soát thanh toán các khoản chi tại hệ thống KBNN TP. Hồ Chí Minh.
Ảnh TL minh họa. |
Ngoài ra, hàng tháng, hàng quý, KBNN TP. Hồ Chí Minh đều có công văn gửi đến các chủ đầu tư nhắc nhở, đôn đốc việc giải ngân của từng dự án, công trình. Đặc biệt, các đơn vị kho bạc trên địa bàn luôn lưu ý các chủ đầu tư ngoài việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn cần tăng cường tổ chức, kiểm tra đối chiếu giữa hồ sơ với chứng từ để đảm bảo thông tin, số liệu đề nghị thanh toán phù hợp với quy định trước khi gửi đến KBNN, hạn chế các sai sót, phải bổ sung hoàn thiện nhiều lần, làm mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án.
Tại tỉnh Bắc Giang, KBNN tỉnh và các đơn vị KBNN trực thuộc đã luôn phối hợp với chủ đầu tư, ban quản lý dự án để đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện nhanh các thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn khi có khối lượng hoàn thành, không dồn vào cuối quý, cuối năm.
Ngoài việc đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến giúp cho nguồn vốn đến nhanh được các dự án, công trình, KBNN Bắc Giang đã áp dụng linh hoạt 2 phương thức thanh toán là “thanh toán trước, kiểm soát sau” và "kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với từng hợp đồng thanh toán.
Đánh giá về công tác phối hợp giữa kho bạc với chủ đầu tư, ông Nông Bằng Sơn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng TP. Bắc Giang, cho biết: “KBNN Bắc Giang và Ban QLDA đã có sự phối hợp rất tốt. Công việc được nghiệm thu hàng tuần. Đơn vị có đủ khối lượng gửi thông tin ra kho bạc đều được làm thủ tục thanh toán ngay. Mỗi hồ sơ đơn vị gửi sang kho bạc đều được tiếp nhận và giải quyết nhanh gọn, đảm bảo theo đúng quy định. Đặc biệt, hiện nay KBNN tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến nên thời gian xử lý càng nhanh hơn, giúp cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiếp cận nguồn vốn nhanh và kịp thời hơn”.
Quyết tâm cùng chủ đầu tư khắc phục khó khăn
Có thể thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị khi ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 5 tổ công tác của Chính phủ để đôn đốc công tác giải ngân trên cả nước. Hiện cả 5 tổ công tác đều có các cuộc kiểm tra, làm việc với các bộ, ngành, địa phương và có những yêu cầu để đẩy mạnh tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm.
Để góp phần đưa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương tăng cao, KBNN Khánh Hòa đang tiếp tục cải cách hành chính, công khai quy trình tiếp nhận, kiểm soát, luân chuyển hồ sơ, chứng từ chi NSNN qua cổng dịch vụ công trực tuyến của KBNN. Đồng thời, KBNN Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành để đảm bảo sự thống nhất trong triển khai thực hiện, lập hồ sơ thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường vai trò kiểm soát thanh toán; thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo chính quyền các cấp kịp thời điều hành, quản lý NSNN.
Đối với tỉnh Hà Tĩnh, hiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang khá chậm. Nguyên nhân vẫn do các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư. Cụ thể, một số dự án chuyển tiếp trên địa bàn đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng như: Dự án đường liên huyện Can Lộc - Lộc Hà do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, hiện một số hộ dân thuộc diện tái định cư chưa đồng tình với phương án bồi thường. Vì thế, dự án buộc phải xin gia hạn, kéo dài thời gian hoàn thành thi công từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023.
Đáng chú ý, hiện trên địa bàn tỉnh còn có dự án xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018 với tổng mức gần 241 tỷ đồng. Nhưng đến nay, do vướng mắc về thủ tục nên dự án vẫn chưa thể triển khai.
Nhằm tập trung cao độ cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, với vai trò là cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn, ông Võ Văn Tỵ - Giám đốc KBNN Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan tài chính, chủ đầu tư lập dự toán rà soát, đối chiếu số liệu để chủ đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định kéo dài đối với các dự án có kế hoạch năm 2022 chưa giải ngân; phối hợp chủ đầu tư, các sở ngành liên quan xử lý các vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng và các vướng mắc về thủ tục đầu tư để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ.
Ngoài ra, KBNN Hà Tĩnh đã thực hiện cải cách hành chính, công khai quy trình tiếp nhận, kiểm soát, luân chuyển chứng từ thanh toán vốn đầu tư công qua cổng dịch vụ công trực tuyến của kho bạc để thời gian kiểm soát được rút ngắn và công khai, minh bạch hơn, giúp các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.
Bên cạnh đó, KBNN Hà Tĩnh cũng tiếp tục áp dụng linh hoạt 2 phương thức thanh toán là "thanh toán trước, kiểm soát sau” và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với từng loại hợp đồng thanh toán vốn./.