Giải ngân vốn đầu tư công: Nhiều giải pháp từ Kho bạc Nhà nước được thực hiện hiệu quả
Sức nóng trong các chỉ đạo
Quyết tâm không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 5 tổ công tác để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cũng ngay trong tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị 25 thành viên Chính phủ đi đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn và sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT- TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Với sức nóng của những chỉ đạo đó, các vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đã được chính quyền nhiều địa phương nhìn nhận và tập trung tháo gỡ ngay từ khi dự án mới bắt đầu được triển khai.
Là cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả để cùng các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Với vai trò là cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn, KBNN đã thực hiện nhiều cải cách trong công tác kiểm soát chi, đưa công tác giải ngân vốn đầu tư công ngày càng thuận lợi. |
Ông Trần Quân - Tổng Giám đốc KBNN cho biết, ngay từ đầu năm 2023, KBNN đã ban hành Chỉ thị số 589/CT-KBNN về tăng cường công tác kiểm soát chi (KSC), nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN. Tại Chỉ thị, KBNN yêu cầu toàn hệ thống nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác KSC vốn ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN. Kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư theo đúng thẩm quyền; hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các chủ đầu tư khi có những vướng mắc phát sinh.
Để công tác giải ngân vốn được nhanh chóng, KBNN đã thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy trình về KSC, quy trình tự động thanh toán, liên thông các ứng dụng để rút ngắn thời gian thanh toán, tạo thuận lợi cho người giao dịch, song vẫn đảm bảo KSC, thanh toán đúng quy định.
Tổng Giám đốc KBNN cho biết, KBNN là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành Tài chính hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ở mức độ 4. “Với việc triển khai diện rộng DVCTT trên toàn quốc từ năm 2018 đến nay, quy trình, thủ tục thanh toán vốn đã được đơn giản và rút ngắn rất nhiều. Cụ thể, từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc đối với các khoản chi đầu tư; 1 ngày làm việc đối với các khoản chi "thanh toán trước, kiểm soát sau". Do đó, các hồ sơ thanh toán vốn được giải quyết nhanh gọn, nguồn vốn đầu tư công được thanh toán kịp thời cho các dự án” - ông Trần Quân nhấn mạnh.
Các đơn vị Kho bạc Nhà nước nỗ lực giải ngân
Với sức nóng trong các chỉ đạo của Chính phủ đã lan tỏa tới các bộ, ngành, địa phương, cùng với sự nỗ lực của Kho bạc Nhà nước trong công tác kiểm soát, thanh toán vốn, tiến độ giải ngân của cả nước đang trên đà tăng trong những tháng tiếp theo. Kết quả này cũng đưa đến sự kỳ vọng vào một tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao khi kết thúc năm ngân sách. |
Cũng theo ông Trần Quân, các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống ngoài việc chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp phù hợp với thực tiễn tại địa phương cũng đã rốt ráo thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh công tác giải ngân vốn.
Đơn cử như tại Ninh Thuận, KBNN địa phương này đã nỗ lực rút ngắn thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, chứng từ theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chứng từ trong vòng 1 ngày làm việc đối với các khoản tạm ứng và thanh toán từng lần.
Đặc biệt, để hạn chế thấp nhất những sai sót, buộc kho bạc phải từ chối thanh toán, chủ đầu tư phải bổ sung hoàn thiện nhiều lần, KBNN Ninh Thuận đã chỉ ra những tình huống sai sót thường lặp đi lặp lại để chủ đầu tư lưu ý, tổ chức kiểm tra, đối chiếu giữa hồ sơ với chứng từ kế toán, bảo đảm thông tin, số liệu đề nghị thanh toán phù hợp với quy định, được kho bạc tiếp nhận, kiểm soát, thanh toán ngay từ lần đầu.
Quảng Nam là địa phương đang có tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với trung bình của cả nước khi hết tháng 7 vừa qua mới đạt trên 27% kế hoạch vốn được giao. Để cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ngoài việc quyết liệt thực hiện các cải cách thủ tục hành chính đảm bảo đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, nội dung kiểm soát, KBNN Quảng Nam đã thực hiện quy trình KSC lồng ghép với quy trình giao dịch điện tử trên DVCTT.
Đặc biệt, KBNN Quảng Nam đã yêu cầu bộ phận KSC, KBNN các huyện, thành phố cập nhật kịp thời, đầy đủ kế hoạch vốn đầu tư giao năm 2023, kế hoạch vốn kéo dài để chủ động phối hợp với chủ đầu tư giải ngân kịp thời theo tiến độ của dự án. Đồng thời, thường xuyên bám sát các quy định của bộ, ngành và địa phương, thực hiện kiểm soát thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định.
Cũng như Quảng Nam, Khánh Hòa là địa phương đang có tỷ lệ giải ngân thấp. Do đó, quyết tâm cùng địa phương đưa tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 100%, KBNN Khánh Hòa đang tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành để đảm bảo sự thống nhất trong triển khai thực hiện, lập hồ sơ thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường vai trò kiểm soát thanh toán; thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo chính quyền các cấp kịp thời điều hành, quản lý NSNN./.