Giải ngân vốn đầu tư công: Quan trọng nhất vẫn là sự đồng lòng, quyết tâm trong triển khai thực hiện
PV: Có thể thấy, chưa năm nào Chính phủ lại ra nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện cùng nhiều văn bản để thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như năm 2022, nhưng tiến độ vẫn chậm. Theo ông, đâu là nguyên nhân cốt lõi?
Ông Dương Bá Đức |
Ông Dương Bá Đức: Qua kết quả 4 đợt kiểm tra của 6 tổ công tác của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp và xác định 25 vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và đã phân thành 3 nhóm.
Nhóm liên quan đến thể chế, cơ chế chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường; lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng; lĩnh vực đấu thầu, đầu tư công.
Nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện như: Tiến độ và chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư chưa đảm bảo, còn chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến chậm các khâu tiếp theo; việc chỉ đạo chưa quyết liệt, năng lực cơ quan quản lý dự án còn hạn chế, tâm lý dồn khối lượng vào cuối năm; khó khăn xuất phát từ phía nhà tài trợ đối với các dự án vốn ODA.
Nhóm khó khăn mang tính đặc thù của năm 2022 như giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến, đặc biệt là giá xăng, dầu, sắt, thép, đất, cát… tăng mạnh giai đoạn đầu năm 2022.
PV: Với chức năng quản lý, thanh toán vốn đầu tư công, xin ông cho biết Bộ Tài chính đã thực hiện các giải pháp gì để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước?
Ông Dương Bá Đức: Thực hiện các quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân bổ vốn, nhập dự toán để phục vụ giải ngân ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn. Bộ cũng tổ chức thường xuyên các hội nghị giải ngân vốn ODA với các địa phương và các bộ, ngành nhằm tìm ra các nguyên nhân giải ngân chậm, xử lý các vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền và tham mưu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay. Hàng tháng kịp thời tổng hợp tình hình giải ngân chi tiết của từng bộ, ngành, địa phương, các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn báo cáo Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác điều hành. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính (Tổ trưởng Tổ công tác số 6 của Chính phủ) đã chủ trì kiểm tra, tổng hợp và đã có 4 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân được tổng hợp chung trong Nghị quyết số 124/NQ – CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.
Các bộ, ngành, địa phương cần đồng lòng, quyết tâm trong triển khai thực hiện sẽ giúp công tác giải ngân vốn đầu tư công có bước đột phá. Ảnh minh họa: Đức Minh |
Về quy trình thủ tục thanh toán vốn, Bộ Tài chính đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi tại cơ quan thanh toán xuống chỉ từ 1 - 3 ngày làm việc. Đồng thời, Bộ Tài chính đã quyết liệt chỉ đạo Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh việc giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai, minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.
PV: Để việc giải ngân vốn đầu tư công không còn là “nỗi trăn trở”của từng bộ, ngành, địa phương, theo ông, cần tập trung giải pháp nào?
Ông Dương Bá Đức: Qua quá trình tổng hợp và thực hiện kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy, mặc dù còn một số khó khăn như đã nêu, tuy nhiên trong cùng hệ thống pháp luật, cùng điều kiện khó khăn chung về dịch bệnh, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng… nhưng vẫn có những đơn vị có tỷ lệ giải ngân tốt. Đó là do họ đã chủ động đề ra các giải pháp triển khai ngay từ khi xây dựng kế hoạch hàng năm.
Vì vậy, để cải thiện công tác giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc phân bổ vốn theo nguyên tắc, tiêu chí phân bổ. Thứ nhất là phải ưu tiên thu hồi vốn ứng trước. Thứ 2 là thanh toán toàn bộ các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đang chờ quyết toán; dự án đã quyết toán đang còn thiếu vốn; dự án hoàn thành trong kế hoạch 2023. Đây chính là yếu tố để cho “tiền đi ngay” và tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đối với những dự án chuyển tiếp phải rà soát, ưu tiên, tâp trung bố trí vốn cho các dự án mang tính chất liên vùng, trọng điểm, không bố trí vốn dàn trải, manh mún. Đối với các dự án khởi công mới phải đáp ứng đủ các tiêu chí như đủ thủ tục đầu tư, không bị vướng mặt bằng xây dựng. Đây chính là khâu tiên lượng về kế hoạch vốn và khả năng thực hiện dự án để tránh tình trạng chia đều vốn cho các dự án nhưng bị vướng mắc các thủ tục đầu tư sẽ không giải ngân được. Còn đối với các công trình trọng điểm thì thực hiện theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Các yếu tố này được giải quyết sớm cũng sẽ là một bước đột phá cho công tác giải ngân.
Hiện nay, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính đã và đang có các giải pháp cụ thể để xử lý và kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Nhưng theo tôi, giải pháp mạnh nhất, căn cơ nhất vẫn nằm ở chính sự quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện.
PV: Xin cảm ơn ông!