Giảm áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm
Nhiều giải pháp đã được thực hiện
Phú Thọ là một địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn, vì thế, đầu tư công chính là đòn bẩy để đưa nền kinh tế của địa phương phát triển. Theo đó, với trên 4.046 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 được giao (bao gồm trên 4.021 tỷ đồng Thủ tướng Chính phủ giao và 24,7 tỷ đồng địa phương giao thêm), ngay từ giữa tháng 12/2022, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện phân bổ chi tiết xong cho các dự án, công trình. Tính đến hết tháng 8 vừa qua, toàn tỉnh Phú Thọ giải ngân được khoảng trên 2.069 tỷ đồng, đạt trên 51% tổng kế hoạch vốn được giao.
Xác định rõ việc giải ngân nhanh nguồn vốn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Phú Thọ đã thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm soát chi để đưa nhanh nguồn vốn đến với các dự án, công trình.
Ảnh TL minh họa |
Ông Trần Mạnh Hùng - Giám đốc KBNN Phú Thọ cho biết, ngay từ đầu năm, KBNN Phú Thọ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện cải cách hành chính, đề ra các giải pháp để rút ngắn thời gian kiểm soát chi theo quy định. Đồng thời, KBNN Phú Thọ đã linh hoạt áp dụng 2 phương thức "thanh toán trước, kiểm soát sau", "kiểm soát trước, thanh toán sau" đối với từng hợp đồng thanh toán và quy định cụ thể từng khung giờ đối với việc tiếp nhận - kiểm soát - luân chuyển chứng từ chi ngân sách.
Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, KBNN Phú Thọ đã chỉ đạo các đơn vị KBNN trực thuộc nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nhiệm vụ kiểm soát chi và giải quyết ngay hồ sơ, không để tồn đọng. Ngoài ra, KBNN Phú Thọ đã hỗ trợ chủ đầu tư tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) để vừa giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA), vừa công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ thanh toán vốn.
Đánh giá về sự phối hợp của KBNN giúp đơn vị giải ngân nhanh được nguồn vốn, ông Đỗ Anh Tuấn - Trưởng Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện việc giải ngân, thanh toán vốn của đơn vị đều được làm trên DVCTT nên các hồ sơ, thủ tục, pháp lý được thao tác trên máy tính và nhanh chóng chuyển đến KBNN tỉnh tiếp nhận giải quyết. Do đó, việc giải ngân vốn được thường xuyên, liên tục, giúp cho các dự án do Ban quản lý đều có tỷ lệ giải ngân cao.
Trong nhiều năm trở lại đây, tỉnh Thái Bình luôn là điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công khi vào thời điểm này của các năm, tỷ lệ giải ngân thường đạt từ 80% - 90%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đang đạt thấp.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc phụ trách KBNN Thái Bình cho biết, tổng số vốn đầu tư công của tỉnh trong năm 2023 là trên 8.500 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 15/9/2023, toàn tỉnh mới giải ngân được trên 3.586 tỷ đồng, đạt 42% tổng kế hoạch vốn.
Lý giải cho việc giải ngân đạt thấp, ông Kiên cho biết, trong tổng vốn được giao trên 8.500 tỷ đồng của tỉnh có cả phần giao vượt thu của địa phương. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thu ngân sách tại Thái Bình đang đạt thấp, trong khi các dự án đã được phân bổ vốn nên không có nguồn để chi trả. “Chính vì thế, việc giải ngân của tỉnh Thái Bình năm nay đã thấp đi nhiều so với mọi năm” - ông Kiên nói.
Tuy nhiên, ông Kiên cho biết, là cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn, KBNN Thái Bình đang tiếp tục dốc toàn lực để giảm áp lực giải ngân vào những tháng cuối năm. Theo đó, đơn vị đang tiếp tục nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền. Đồng thời, đơn vị thường xuyên phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các chủ đầu tư, BQLDA… kịp thời phản ánh, báo cáo cấp có thẩm quyền trong việc tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện kế hoạch vốn năm; đẩy nhanh giải ngân song vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ và đúng các quy định hiện hành. Kiên quyết từ chối các khoản chi không đúng quy định và không có trong dự toán.
Tăng cường công tác kiểm soát chi
Ngoài sự nỗ lực của các KBNN để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của địa phương, góp phần đưa tỷ lệ giải ngân của cả nước tăng lên, KBNN cũng liên tục ban hành các chỉ thị, công văn yêu cầu các đơn vị KBNN thực hiện nghiêm túc các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Đơn cử như tại Công văn số 4930/KBNN-KSC về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm được ban hành vào cuối tháng 8 vừa qua, KBNN đã yêu cầu giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, chỉ đạo các phòng Kiểm soát chi thuộc KBNN tỉnh và KBNN các huyện trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, BQLDA trong việc đẩy mạnh giao dịch thanh toán qua DVCTT của KBNN và kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án. Tuân thủ thời gian giải quyết hồ sơ trong thời hạn quy định tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, đáp ứng kịp thời, cấp bách nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán, thực hiện tốt công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, KBNN đã ban hành Chỉ thị 589/CT-KBNN về tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN.
Theo đó, Tổng giám đốc KBNN đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan KBNN, giám đốc KBNN cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo công chức thường xuyên theo dõi, cập nhật các chủ trương, chính sách, các văn bản mới liên quan đến thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023 nói chung; các văn bản liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN nói riêng để triển khai thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN đảm bảo thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch và đúng quy định của pháp luật hiện hành.