Giảm phí, lệ phí tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp
Ảnh: T.L |
Giảm đến 50% nhiều khoản phí, lệ phí
Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2023, Bộ Tài chính đã quyết định tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2023. Cụ thể: tiếp tục giảm mức thu từ 10% - 50% so với mức thu hiện hành đối với 36 khoản phí, lệ phí. Thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023.
Theo đó, nhiều khoản phí, lệ phí được giảm 50%, cụ thể như: lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng (phí thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc phí thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng).
Ngoài các khoản phí, lệ phí nêu trên, đáng chú ý, nhiều khoản phí, lệ phí được giảm 50% trên nhiều lĩnh vực như chứng khoán, sở hữu công nghiệp..., như: phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ 2 khoản phí, lệ phí); lệ phí cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh; lệ phí sở hữu công nghiệp...
Trước đó, liên tục trong các năm 2020 và năm 2021, khi thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát, Bộ Tài chính đã ban hành 2 thông tư quy định giảm mức thu một số khoản (khoảng 37 khoản) phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Giảm hàng nghìn tỷ đồng phí, lệ phí
Theo Bộ Tài chính, dự kiến chính sách giảm phí, lệ phí trong năm 2023 này sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí, ước tính giảm thu ngân sách khoảng 900 tỷ đồng. Năm trước đó, việc giảm phí, lệ phí cũng lên đến khoảng 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện “lời hứa” của mình, liên tục rà soát các chính sách ứng phó kịp thời với tình hình thực tiễn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Rất nhiều chính sách tài khóa miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí đã được thực hiện, với số tiền lên tới hơn 400 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bên cạnh các giải pháp về miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Việc giảm trực tiếp nhiều khoản phí, lệ phí thể hiện sự đồng hành, chia sẻ giữa Nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, trong điều hành, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long, việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp đang khát vốn thì “một đồng cũng quý” và đề xuất này của Bộ Tài chính là rất đáng mừng.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong đề xuất nhiều chính sách thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Có đại biểu cho rằng, sự hỗ trợ này “là kịp thời, đầy tính nhân văn, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri, người dân và doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ các chính sách làm giảm thu ngân sách, để đảm bảo cân đối ngân sách, cũng như tính công bằng và khả thi cao khi triển khai thực hiện./.