Giảm thuế 2% giúp doanh nghiệp có thêm dòng vốn mở rộng đầu tư, kinh doanh
PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022?
Ông Nguyễn Quốc Việt |
TS. Nguyễn Quốc Việt: Có thể thấy, chính sách giảm thuế VAT trong năm 2022 đã phát huy tác dụng thiết thực, tác động đa chiều đến nền kinh tế khi giảm thuế làm giá hàng hóa giảm, tiêu dùng lên tăng giúp doanh nghiệp (DN) tăng sản xuất. DN được giảm chi phí đầu vào thông qua giảm 2% VAT. Chi phí đầu vào giảm, người tiêu dùng mua được hàng hóa rẻ hơn đồng thời tiết kiệm được 2% trong tiêu dùng nên sức tiêu thụ mạnh hơn.
Bên cạnh đó, việc giảm VAT không làm giảm ngân sách nhà nước (mà thực tế lại tăng do kích thích tiêu dùng) và kích thích các chỉ tiêu khác trong nền kinh tế, kết quả cuối cùng là GDP tăng đáng kể so với kế hoạch của Chính phủ.
Giảm thuế VAT cũng giúp giảm áp lực lạm phát trong năm 2022, đảm bảo các cân đối vĩ mô lớn hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng, cũng như hỗ trợ trực tiếp giảm khó khăn trước mắt cho các hộ gia đình, nhất là lao động thu nhập thấp khi tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu.
PV: Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN, trong năm 2023, chính sách giảm 2% VAT tiếp tục được thực hiện từ tháng 7. Theo ông, khả năng tác động của chính sách này trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ như thế nào?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Việc thực hiện chính sách ở mỗi giai đoạn khác nhau còn phụ thuộc vào những điều kiện hoàn cảnh khác nhau. Năm 2023, tổng cầu thế giới suy giảm và ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ gia đình, sự không chắc chắn của môi trường kinh doanh… dẫn đến bản thân DN ngay cả khi có khả năng tiếp cận các nguồn vốn cũng khó có thể mạnh dạn đầu tư kinh doanh. Trong bối cảnh như vậy, để nói trước được liệu gói hỗ trợ VAT này có thể tác động ngay đến việc kích hoạt sản xuất kinh doanh thì cần phải theo dõi thêm. Nhưng chắc chắn việc giảm thuế này sẽ làm giảm áp lực về lạm phát. Ngay trong tháng 7, có thể thấy một loạt các mặt hàng cơ bản từ gạo, thịt lợn, xăng dầu đã tăng lên rất nhiều so với 6 tháng đầu năm, cộng với sự tăng lương cơ bản cũng là áp lực tới lạm phát. Khi đó, thông tin về giảm 2% thuế VAT đã lập tức kìm chỉ số giá tiêu dùng ít nhất là 2 quý còn lại.
7/10 người tiêu dùng hưởng lợi
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong 6 tháng cuối năm, kỳ vọng tiêu dùng sẽ tăng lên đáng kể khi các mặt hàng được giảm 2% VAT nằm trong giỏ hàng tiêu dùng thiết yếu, chiếm 75% tỷ trọng mua sắm của người tiêu dùng. Điều này tương đương cứ 10 người tiêu dùng thì sẽ có 7 người được hưởng lợi. |
Khi ổn định được chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát không còn là một nguy cơ trong năm 2023 thì tôi tin rằng, đó cũng là một “bệ đỡ”. Đây vừa là bệ đỡ hỗ trợ cho dư địa cho chính sách về tài khóa - tiền tệ của Chính phủ, vừa là bệ đỡ cho các DN và đảm bảo hơn cho an sinh xã hội của người dân, giúp người dân tự tin hơn trong các quyết định đầu tư, kinh doanh của mình. Tôi đánh giá cao quyết định của nhiều DN khi mạnh dạn đặt ra những mục tiêu tăng trưởng tích cực hơn từ quý III, quý IV sau khi thông tin giảm thuế VAT 2% được áp dụng.
Việc Chính phủ giảm thuế và chấp nhận hy sinh một phần kế hoạch thu ngân sách nhà nước (theo tính toán, dự kiến ban đầu việc giảm 2% VAT sẽ khiến số thu ngân sách năm 2023 bị giảm 24.000 tỷ đồng) đã thể hiện sự đồng hành chia sẻ với những khó khăn của người dân và DN.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc giảm thuế VAT 2% là một động lực quan trọng để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Có thể thấy thực tế sau 2 tháng đã có nhiều dấu hiệu phục hồi từ cầu tiêu dùng, sức sản xuất và chỉ số quản trị mua hàng nhúc nhích tăng.
PV: Hiện một số DN còn có tâm lý sợ áp dụng sai, bị kiểm tra xử phạt, hay lo ngại chi phí giao dịch, điều chỉnh hồ sơ, chi phí quản lý… sau khi áp dụng giảm 2% VAT còn cao hơn giá trị mà DN được hưởng từ chính sách? Ông có khuyến nghị gì cho việc thực hiện chính sách được hiệu quả?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Theo tôi, cần có sự trao đổi để DN có động lực thực hiện các chính sách. Ví dụ, thay đổi niêm yết giá công khai mặc dù có thể tạo ra sự phiền toái và mất chút ít chi phí cho DN, nhưng lại tạo sự minh bạch. Quan trọng hơn là nâng cao nhận thức và sự ảnh hưởng rộng rãi của chính sách đối với đối tượng thụ hưởng trực tiếp là các cá nhân người tiêu dùng, từ đó mới kích thích cầu tiêu dùng tạo dư địa cho thúc đẩy tăng trưởng sản xuất trở lại. Như thế bản thân DN cũng nhận thức được đầy đủ về chi phí phải bỏ ra và lợi ích tổng thể đạt được.
Trong quá trình thay đổi và thực hiện các điều chỉnh có thể DN có những lúng túng và sai sót. Vì vậy, cần có sự chia sẻ và cùng phối hợp của các cơ quan quản lý, không nên có tâm lý lợi dụng hoặc vô cảm khi áp dụng biện pháp tiêu cực đối với những DN do chưa hiểu rõ hoặc do quá trình áp dụng nhầm lẫn (áp mã hàng được hay không được giảm VAT chẳng hạn).
Đồng thời, cũng cần nhấn mạnh, việc công khai, minh bạch hoá đơn khấu trừ VAT, tiến tới áp dụng kết nối thông tin và bắt buộc in hóa đơn có khấu trừ VAT khi thực hiện mua - bán hàng hóa. Điều này vừa đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các DN, vừa giúp người tiêu dùng nhận thức được rõ ràng khoản đóng thuế VAT trong các hóa đơn mua hàng của mình, cũng như nhận thức được tác động của các chính sách hỗ trợ 2% VAT hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!
Làm quyết liệt, rốt ráo giúp lan tỏa nhanh hơn tác động tích cực
Theo GS.TS Đinh Trọng Thịnh, thuế là một lĩnh vực rất phức tạp. Trong sản xuất kinh doanh, đầu vào rất nhiều hàng hóa, loại tính thuế 5%, loại tính 8%, loại tính 10%... Vì vậy, việc tính toán đó cũng đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải phát sinh chi phí. Trong thực tiễn vẫn còn có những vướng mắc khi thực hiện, nên cần có sự vào cuộc của cơ quan thuế cũng như các cơ quan quản lý nhà nước để giúp DN vượt qua khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, đem lại lợi ích cho DN một cách cao nhất.
TS. Nguyễn Quốc Việt cũng cho rằng, quá trình triển khai chính sách, không nên đặt nặng vấn đề phạt khi có những sai sót từ DN. Bởi vì, xét cho cùng, chính sách là để hỗ trợ cho phục hồi sản xuất kinh doanh của DN, vì vậy cần giảm thiểu những “xung đột”. Như vậy, bản thân DN cảm thấy tự tin và cảm thấy có sự chia sẻ sẽ sẵn sàng cộng tác tốt hơn với cơ quan thuế trong việc công khai minh bạch.
“Bất cứ chính sách nào cũng có độ trễ về tác động, nếu càng làm quyết liệt, rốt ráo thì sự tác động tích cực sẽ lan tỏa nhanh hơn và khi tổng cầu đã phục hồi, khi niềm tin của người dân và doanh nghiệp quay trở lại thì sẽ hỗ trợ cho việc tăng các nguồn thu khác. Đó là một trong những bài học kinh nghiệm thành công trong quá trình thực thi chính sách giảm thuế VAT trong năm 2022 cần lưu ý khi thực hiện trong năm nay” - TS. Nguyễn Quốc Việt lưu ý. |