Tổng cục Thuế đối thoại với doanh nghiệp 5 tỉnh thành phía Nam
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TL |
Theo đó các doanh nghiệp có bề dày hoạt động xuất nhập khẩu, có hồ sơ hoàn đã được thanh tra kiểm tra đánh giá có tính tuân thủ cao, sẽ được thực hiện thủ tục hoàn thuế nhanh hơn.
Nêu ý kiến về việc hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp nước ngoài tại hội nghị đối thoại, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Sigma (Long An) cho biết, trong các năm gần đây, công ty thấy một số doanh nghiệp nước ngoài hoàn thuế rất chậm. Thậm chí chậm hơn so với cách làm bằng giấy, trong khi đó Tổng cục Thuế nói đã chuyển đổi số, có dữ liệu trên hệ thống, giúp doanh nghiệp làm thủ tục dễ dàng hơn.
Điều này gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Do đó doanh nghiệp, kiến nghị Tổng cục Thuế cần phân loại hồ sơ hoàn thuế luồng xanh, vàng, đỏ như bên cơ quan Hải quan; công tác hậu kiểm cũng rất lâu, nên hoàn thuế trước và hậu kiểm sớm. Sau khi hoàn, nếu khi hậu kiểm phát hiện sai sót thì có thể truy thu hoàn ngay. Doanh nghiệp rất cần tài chính quay vòng để sản xuất kinh doanh.
Tiếp thu ý kiến trên của doanh nghiệp, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện khoảng 80% doanh nghiệp đang đề nghị hoàn trước thuế GTGT. Từ tháng 10/2023, Tổng cục Thuế đã triển khai toàn bộ tiêu chí và hệ thống phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động, theo đó phân loại ngưỡng rủi ro để xác định người nộp thuế thuộc trường hợp hoàn thuế trước (6 ngày làm việc), kiểm tra trước (40 ngày).
Qua rà soát thực tế phát sinh nhiều trường hợp người nộp thuế chuẩn bị chưa đầy đủ hồ sơ theo quy định, kê khai chưa chính xác thông tin trên hồ sơ. Hiện cơ quan Thuế đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử. Đề nghị người nộp thuế cần kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, kiểm soát đầu vào, chủ động phát hiện hóa đơn đầu vào không đáp ứng đủ điều kiện khấu trừ, hoàn thuế trước khi gửi hồ sơ hoàn thuế đến cơ quan thuế, giảm thời gian cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ và người nộp thuế phải giải trình bổ sung thông tin…
Tác dụng của hóa đơn điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, còn giúp tra cứu, cập nhật kịp thời những trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Xác định những đối tượng doanh nghiệp ma, thành lập chỉ để buôn bán hóa đơn. Chính sách quản lý của ngành Thuế hướng tới không để doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp ảnh hưởng tới cộng động doanh nghiệp. Ngành Thuế cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn để cùng đối chiếu, giúp doanh nghiệp quản trị tốt hơn đầu vào của mình.
Ông Mai Sơn dẫn chứng, đơn cử như cuối năm 2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm vụ án mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước với hơn 100 bị cáo. Đường dây này có tới 637 doanh nghiệp, xuất trái phép 1.025.712 hóa đơn GTGT cho 88.053 doanh nghiệp với doanh số hơn 64.000 tỷ đồng; thực hiện khấu trừ thuế 3.115 tỷ đồng.
Trong đó, theo thống kê việc mua bán bán đơn bất hợp pháp trên địa bàn TPHCM và những doanh nghiệp xuất hóa đơn khi chưa kê khai nộp thuế, Tổng cục Thuế đã giao cho Cục Thuế TPHCM và các đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền đối với việc sử dụng hóa đơn để kê khai thuế GTGT, hoạch toán chi phí vào bộ hồ sơ hoàn thuế.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường trao đổi với cơ quan Hải quan để cập nhật theo thời gian thực, hoàn thiện lại hệ số cảnh báo. Từ đó, thu hẹp phạm vi, tiến tới cải thiện hệ số cảnh báo an toàn, bổ sung tiêu chí, để xác định đúng những người nộp thuế thuộc diện rủi ro cao, phải ngưng sử dụng hóa đơn.
Khi đó, sẽ xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm hóa đơn, doanh nghiệp ma để tiến tới lành mạnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.