Giảm thuế giá trị gia tăng: Liều thuốc kích thích tiêu dùng
Triển khai tốt việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Ảnh: TL |
PV: Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% đến hết năm 2023. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ 2 việc giảm thuế GTGT được áp dụng kể từ năm 2022. Ông có bình luận gì về động thái này?
TS. Nguyễn Văn Hiến |
TS. Nguyễn Văn Hiến: Thực tế đầu năm 2023 nền kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn do tác động của các yếu tố bên ngoài như căng thẳng địa chính trị, biến động của thị trường thế giới tác động vào cũng như những khó khăn trong nước từ năm 2022 giờ mới bộc lộ, khiến cho nền kinh tế đến năm 2023 mới “thấm đòn”. Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không có đơn hàng, phải hoạt động cầm chừng, cho công nhân nghỉ việc. Sản xuất trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bị thu hẹp, thu nhập của người dân giảm sút do mất việc làm nhiều.
Trong khi đó, dư địa về chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là không còn nhiều nên việc sử dụng công cụ tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng như hỗ trợ cho người dân đảm bảo đời sống an sinh xã hội là một việc làm rất cần thiết, có ý nghĩa thiết thực trong tình hình hiện nay.
Tôi cho rằng, việc Bộ Tài chính, Chính phủ tiếp tục đề xuất với Quốc hội tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế GTGT đối với tất cả các mặt hàng là một chính sách đúng, trúng và phù hợp với bối cảnh hiện tại của nền kinh tế, để một mặt hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng như tác động vào thị trường, hỗ trợ tiêu dùng của người dân đang gặp khó khăn.
PV: Theo ông, việc được giảm thuế trực tiếp này sẽ có tác động ra sao đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Bản chất của thuế GTGT là thuế gián thu nên sẽ tác động hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, tác động vào mặt bằng giá cả. Khi giảm thuế GTGT sẽ thấy rất rõ tác động vào mặt bằng giá tiêu dùng. Giá hàng tiêu dùng giảm thì một mặt vừa đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho đời sống của nhân dân đang gặp khó khăn. Mặt khác, nó có tác dụng rất lớn là kích cầu, tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Giảm thuế là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu
Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ tác động trực tiếp đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo tính toán, nguồn thu ngân sách nhà nước trong kỳ dự kiến sẽ bị sụt giảm khoảng 35.000 tỷ đồng và dư địa chính sách tài khóa vẫn có thể chịu đựng được mức này. Mặt khác, giảm thuế xuống thực chất là hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường nên có thể xem đó là một biện pháp để nuôi dưỡng nguồn thu. Vì vậy, khi thực hiện chính sách này, trong ngắn hạn có thể nguồn thu bị sụt giảm nhưng xét trong quá trình dài hơn thì nguồn thu có thể không những không sụt giảm mà còn tăng lên. Bài học của lần giảm thuế GTGT năm 2022 đã minh chứng rõ điều đó. |
Thứ hai, thuế GTGT tác động vào giá đầu vào của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Khi giá đầu vào được giảm thuế thì chi phí sản xuất sẽ thấp hơn và có cơ sở để bán sản phẩm đầu ra thấp hơn. Như vậy, việc giảm 2% thuế GTGT vừa tác động đến sản xuất và vừa tác động đến tiêu dùng, tác động đến thị trường rất tốt. Nếu triển khai tốt chính sách này sẽ hỗ trợ rất tốt cho thị trường, cho sản xuất kinh doanh cũng như là hỗ trợ một phần những khó khăn cho người dân.
Vì giảm thuế GTGT tác động đến thị trường như vậy cho nên nó là một “liều thuốc” rất bổ ích để hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục những khó khăn phải vượt qua trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, nó cũng làm cho mặt bằng giá cả thị trường được giảm xuống, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng cũng như kiềm chế lạm phát. Cuối cùng là tác động vào tăng trưởng và phát triển kinh tế nói chung.
PV: Từ bài học của đợt giảm thuế GTGT lần trước, theo ông, cần làm gì để việc thực hiện chính sách thực sự hiệu quả?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Thực hiện chính sách giảm 2% thuế GTGT lần này áp dụng đồng loạt với tất cả các nhóm mặt hàng nên các thủ tục hành chính và việc triển khai thực hiện không phức tạp như lần trước. Tuy nhiên, vẫn cần phải đảm bảo mọi thủ tục đơn giản, nhanh chóng.
Bên cạnh đó, cũng có một số vấn đề đặt ra mà cơ quan thuế cần quan tâm hơn để chính sách này thực sự phát huy được tác dụng.
Cụ thể, đối với hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, các trung tâm thương mại thực hiện hệ thống hóa đơn chứng từ rõ ràng sẽ thể hiện ngay được việc giảm giá bán lẻ xuống. Tuy nhiên đối với hệ thống bán lẻ truyền thống như chợ truyền thống ở đô thị, các cửa hàng tạp hoá, chợ nông thôn... (hiện nhu cầu người dân mua hàng tiêu dùng thiết yếu qua những kênh này vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn), người bán hàng không có thói quen xuất hóa đơn tài chính nên việc giảm thuế GTGT này có thể người bán hàng sẽ chưa thực hiện ngay. Điều đó sẽ dẫn đến chính sách giảm thuế GTGT có thể chỉ mang lại lợi ích cho người bán hàng thôi chứ không phải cho người tiêu dùng. Vì vậy, cơ quan thuế cũng như chính quyền các địa phương cần phải có hoạt động phổ biến, tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu được chính sách này, để người dân có thể đòi người bán hàng trong trường hợp không xuất hóa đơn tài chính thì cũng phải giảm giá 2% cho người mua. Điều đó mới mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng và chính sách đi vào cuộc sống tốt hơn.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, việc giảm thuế này chỉ thực hiện trong thời hạn 6 tháng là hơi ngắn, vì công tác chuẩn bị, niêm yết lại giá bán của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ mất thời gian. Vì vậy, Chính phủ nên cân nhắc xem xét kéo dài thời hạn thực hiện, để có thể xử lý được vấn đề độ trễ của chính sách sẽ phát huy hiệu quả cao hơn, chính sách đi vào cuộc sống tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cộng đồng doanh nghiệp mong chờ sớm được giảm thuế
So với năm 2022, trong lần đề xuất lần này, việc giảm 2% thuế GTGT sẽ được áp dụng với tất cả các mặt hàng, không phải chỉ một số mặt hàng như chính sách trong năm 2022.
Bình luận về điều này, TS. Nguyễn Văn Hiến cho biết, trong năm 2022, do các phương án tính toán nên việc giảm thuế không áp dụng với một số nhóm mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, có thể nói, hiện tại Covid-19 cũng đã qua lâu và tất cả mọi đối tượng doanh nghiệp hiện nay đều đang gặp khó khăn chứ không phải một số doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19 như trong năm 2022. Vì vậy, áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều được hưởng chính sách giảm thuế GTGT trong giai đoạn này là phù hợp và đảm bảo tính công bằng.
Trao đổi thêm với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam cho biết, cùng với chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế đã có hiệu lực, cộng đồng doanh nghiệp rất đồng tình và mong chờ việc giảm thuế GTGT sớm được thực thi. Điều này sẽ hỗ trợ rất tích cực cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. |