Giãn thuế - hỗ trợ doanh nghiệp và an toàn hơn cho ngân sách
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch. |
PV: Là cơ quan giám sát các vấn đề tài chính - ngân sách, trong một năm đầy biến động như năm nay, ông có nhận xét gì về công tác điều hành chính sách của Bộ Tài chính?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, vượt ngoài dự báo của các cơ quan chức năng, những biến động đó tác động toàn diện đến các lĩnh vực. Đối với lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã kịp thời linh hoạt điều chỉnh các chính sách, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch.
Ngay từ đầu năm, chúng ta đã dự báo tình hình diễn biến phức tạp, do đó đã xây dựng dự toán ở mức hợp lý, là sự chủ động trong cân đối. Nhờ sự chủ động đó, chúng ta có thể bố trí các nhiệm vụ chi phù hợp, không vượt quá khả năng thu cũng như không đẩy bội chi ngân sách lên, đảm bảo an toàn nợ công. Tôi cho rằng, đó là thành công lớn.
Trước diễn biến đột biến của dịch bệnh, nhu cầu chi cho phòng, chống dịch, chi an sinh xã hội, chi hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đều tăng đột biến. Ví dụ chi phòng chống dịch, chúng ta dự phòng ngân sách là hơn 17 nghìn tỷ đồng, nhưng thực tế chi đến thời điểm này đã lên đến khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã rất linh hoạt để bố trí đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, đủ nguồn lực mua vắc-xin.
Bên cạnh đó, chính sách an sinh xã hội phải chi rất lớn. Ngành Tài chính đã linh hoạt điều chỉnh chính sách tài chính, đảm bảo các cân đối và đặc biệt là đáp ứng các nhu cầu chi cho đồng thời 3 nhiệm vụ tăng đột biến, đó là phòng chống dịch, an sinh xã hội và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong thời buổi khó khăn, đó là thành công lớn.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc giảm thuế cần hết sức thận trọng và phải tính toán kỹ để đảm bảo các cân đối ngân sách. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Trong bối cảnh hiện nay, bài toán hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng, các công cụ tài khóa là rất quan trọng, các chính sách về thuế phải rất linh hoạt chứ không nên cứng nhắc. Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét trong tổng thể, không chỉ là phục vụ một mục tiêu là kích thích tăng trưởng hay đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, kể cả thực hiện các giải pháp nêu trên thì cũng phải cân đối các lợi ích hài hòa của các giải pháp.
Chính sách thu, nếu giảm thu thuế gián thu giá trị gia tăng (GTGT) sẽ kích cầu, hỗ trợ cho doanh nghiệp gián tiếp, cầu tăng, nhưng mặt trái là giảm thu ngân sách, bù đắp do cầu tăng không thể bằng mức độ giảm thu. Chúng ta giảm 50% thuế GTGT thì doanh thu tăng lên cũng không thể tăng gấp đôi, để bù các khoản thu đó. Cho nên chắc chắn ngân sách hụt thu, khi đó sẽ không có nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ khác. Trong đó có các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp ở một chính sách tài khóa khác, cũng như an sinh xã hội.
Do đó chúng ta phải cân đối, hỗ trợ ở mức nào và trong điều kiện nào. Ví dụ chính sách thuế có giãn, miễn. Giãn thì ngân sách chỉ tạm thời chưa thu giai đoạn này. Giãn thuế nhìn thì tưởng doanh nghiệp không được lợi vì chỉ là tạm thời chưa đóng. Tuy nhiên tôi cho rằng, giãn thuế doanh nghiệp lại được lợi hơn. Thuế GTGT, khi giãn doanh nghiệp vẫn phải thu về, chưa phải nộp ngay thì doanh nghiệp có thể sử dụng làm đồng vốn kinh doanh, hỗ trợ rất tốt.
Miễn thuế ghi vào hóa đơn, người tiêu dùng được hưởng chứ không phải doanh nghiệp.
Giãn thuế, doanh nghiệp được hỗ trợ, ngân sách cũng được lợi là chỉ khó khăn trong giai đoạn đầu, còn bù đắp ở giai đoạn sau, an toàn cho ngân sách hơn.
Còn đối với thuế trực thu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tôi đã kiến nghị rằng, trong giai đoạn này những người đã có thu nhập, doanh nghiệp đã có lãi thì cố gắng đóng góp vào ngân sách, để chúng ta có thêm nguồn lực, đáp ứng các nhu cầu chi, nhất là những nhu cầu rất bức bách hiện nay.
Có giãn ở mức độ nhất định, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng hạn chế vì vẫn phải huy động bằng ngân sách. Tôi cho rằng, chính sách này cần phải điều hành hài hòa, lúc nào cần hỗ trợ doanh nghiệp nhanh thì hoãn, lúc nào cần kích cầu lâu dài thì có thể miễn một vài chính sách thuế. Nhưng nhìn tổng thể phải cân đối làm sao đủ nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi, chứ không phải để mất cân đối ngân sách, làm tăng bội chi, đặc biệt chúng ta hiện nay đặt ra nguyên tắc là không được phép vay về để chi thường xuyên, nguyên tắc đó đã ghi trong Luật Ngân sách nhà nước rồi. Nếu chúng ta chỉ trông vào thu mà quá nới các chính sách miễn, giãm thì không đảm bảo được các nhiệm vụ.
PV: Ông dự báo ra sao về những thách thức của ngành Tài chính trong thời gian tới?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Thách thức đối với ngành Tài chính là vẫn còn, nếu như dịch bệnh không có đột biến, thì những thách thức đó hiện nay mình lường được cả.
Trước hết, thu từ nền kinh tế sẽ khó khăn vì doanh nghiệp chưa phục hồi được một sớm một chiều, trong khi các biện pháp chi kích thích tăng trưởng, chi an sinh xã hội vẫn phải thực hiện và chi phí cho công tác phòng dịch cũng không thể giảm. Do đó, thách thức trong điều hành cân đối thu - chi vẫn khó khăn.
Nhưng tôi tin tưởng rằng, chúng ta có nền tảng tài chính cho đến giai đoạn này tương đối vững chắc. Thu từ nền kinh tế chiếm tỷ trọng tương đối lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu giảm, nhưng năm nay chúng ta xuất khẩu tương đối tốt. Thu không phụ thuộc vào giá dầu nhưng giá dầu hiện nay cũng tương đối tốt. Như vậy, áp lực thu là có song sẽ không quá nặng nề. Áp lực chi thì như tôi đã phân tích ở trên.
Cho nên trong năm tới, áp lực lớn nhất đó là các gói hỗ trợ kích thích tăng trưởng. Chính sách tiền tệ cũng đã tới hạn rồi. Nếu tung các gói tiền tệ cho vay tiếp thì nợ xấu tăng. Do đó, chúng ta còn dư địa ở phần chi, còn miễn giãn cũng không nên thực hiện quá nhiều. Thế nhưng, dư địa của trần nợ công còn rất lớn, dư địa bơm tiền ra qua lĩnh vực chính sách tài khóa còn lớn. Nhưng thách thức của chúng ta không phải là dư địa, nguồn tiền huy động không phải quá khó khăn do chúng ta có nhiều kênh huy động trong nền kinh tế, như phát hành trái phiếu chính phủ, nguồn lực ngoại tệ trong dân cũng còn rất lớn.
Thời gian tới, cần phải có các giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng, từ đó mới đảm bảo có nguồn thu về ngân sách. Vấn đề là bơm tiền vào đâu cho hiệu quả là điều cần phải tính toán kỹ lưỡng. Sang năm quyết tâm tăng đầu tư công ở giới hạn nhất định, hiệu quả để dành nguồn lực cho các dự án lan tỏa, quan trọng. Tóm lại là phải tổng thể các chính sách, chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách khác một cách thận trọng, đảm bảo hiệu quả và an ninh tài chính quốc gia. Trong đó, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cực kỳ quan trọng, nhưng phải vận dụng linh hoạt.
PV: Xin cảm ơn ông!
Người có thu nhập, doanh nghiệp có lãi cố gắng đóng góp vào ngân sách
Miễn thuế ghi vào hóa đơn, người tiêu dùng được hưởng chứ không phải doanh nghiệp. Giãn thuế, doanh nghiệp được hỗ trợ, ngân sách cũng được lợi là chỉ khó khăn trong giai đoạn đầu, còn bù đắp ở giai đoạn sau, an toàn cho ngân sách hơn. Còn đối với thuế trực thu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tôi đã kiến nghị rằng, trong giai đoạn này, những người đã có thu nhập, doanh nghiệp đã có lãi thì cố gắng đóng góp vào ngân sách, để chúng ta có thêm nguồn lực, đáp ứng các nhu cầu chi và đáp ứng các nhu cầu rất bức bách hiện nay. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm |