Hà Nam: 27.000 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất được bồi thường, hỗ trợ
Theo số liệu tổng hợp từ Sở TN&MT Hà Nam, thực hiện Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, toàn tỉnh đã thu hồi hơn 4.500ha đất, gồm hơn 3.500ha đất nông nghiệp, 84ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, 877ha các loại đất khác. Thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất của gần 27.000 hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, 0,152ha đất bồi thường bằng đất với đất nông nghiệp; hơn 1.000 tỷ đồng bồi thường bằng tiền; hơn 1.200 tỷ đồng bồi thường tài sản gắn liền với đất; hơn 2.100 tỷ đồng hỗ trợ bằng tiền khi nhà nước thu hồi đất. Thực hiện bố trí tái định cư cho 1.086 hộ với diện tích hơn 10ha đất ở.
Thực hiện Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, toàn tỉnh Hà Nam đã thu hồi hơn 4.500ha đất, gồm hơn 3.500ha đất nông nghiệp, 84ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, 877ha các loại đất khác. Ảnh: TL |
Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nam cho biết, thời gian qua, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được thực hiện minh bạch, khách quan, đúng trình tự, thời gian theo quy định đất đai, nên cơ bản người dân đồng tình chấp hành nghiêm chỉnh, giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến thu hồi đất, đáp ứng tiến độ các dự án, nhiều dự án hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch, góp phần đẩy nhanh phát triển KT-XH của tỉnh.
Quyền lợi của người sử dụng đất được đảm bảo, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người bị thu hồi đất phù hợp với thực tế, tạo điều kiện để người có đất bị thu hồi ổn định cuộc sống. Công tác xác định giá đất cụ thể được thực hiện minh bạch, phù hợp thực tế địa phương, đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất.
Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được thực hiện minh bạch, khách quan, đúng trình tự, thời gian theo quy định đất đai. Ảnh: TL |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh thông qua hình thức mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất (không thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 61, 62 Luật Đất đai 2013), thực tế việc thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người sử dụng đất là rất khó khăn.
Do giá đất thỏa thuận thường cao hơn giá đất bồi thường khi nhà nước thu hồi đất có cùng vị trí, khu vực, dẫn đến việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án theo Điều 61, 62 Luật Đất đai là rất khó khăn. Hơn nữa, với những trường hợp chủ đầu tư dự án không thỏa thuận được hết diện tích đất trong khu vực dự án thì hiện nay không có quy định để xử lý với trường hợp này, dẫn đến việc nhà đầu tư không thực hiện được dự án, gây lãng phí đất đai và diện tích chủ đầu tư dự án đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng nhưng vẫn không thực hiện được dự án thì chưa có quy định về chính sách quản lý quỹ đất này.
Cộng thêm, khung chính sách quy định của nhà nước về giá đất, cơ chế bồi thường, hỗ trợ còn dao động với biên độ lớn, dẫn đến những vị trí giáp ranh giữa các khu vực hành chính còn chênh lệch lớn, người dân có sự so bì, khó giải thích, tuyên truyền./.