Hà Nội ước giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt 91,5%
Giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội năm 2023 ước đạt 91,5%. |
Hà Nội ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 91,5%
Sáng 7/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố giải ngân đến ngày 15/11/2023 được 30.133,7 tỷ đồng, đạt 64,2% kế hoạch trung ương giao (46.956 tỷ đồng) và 56,7% kế hoạch thành phố giao (53.105 tỷ đồng).
Ước thực hiện giải ngân cả năm 2023 được 48.600 tỷ đồng, đạt 91,5% kế hoạch thành phố giao và 103,5% kế hoạch trung ương giao. Kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 giải ngân đến ngày 15/11/2023 được 1.884,8 tỷ đồng, đạt 44,3% kế hoạch (4.256,6 tỷ đồng). Ước giải ngân đến hết năm được 4.020 tỷ đồng, đạt 94,4% kế hoạch.
Để đạt tiến độ theo yêu cầu, UBND TP. Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị phải tập trung hơn nữa, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân của các dự án đầu tư công. Hiện nay, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành theo kế hoạch được giao.
Đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, UBND TP.Hà Nội và các sở, ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo, giải quyết các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố.
Kết quả xử lý đối với 712 dự án chậm triển khai: Có 330 dự án (chiếm 46,3% tổng số 712 dự án) đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai (đã đưa đất vào sử dụng; đã, đang tham mưu trình thu hồi, chấm dứt dự án;...). Kết quả 6 tháng cuối năm 2023: Tăng 55 dự án so với kết quả giữa năm 2023 (275 dự án).
Có 350 dự án (chiếm 49,2% tổng số 712 dự án) được UBND Thành phố chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc nhà đầu tư đưa đất vào sử dụng. Kết quả 6 tháng cuối năm 2023: Tăng 206 dự án so với kết quả giữa năm 2023 (144 dự án).
Còn 32 dự án (chiếm 4,5% trong tổng số 712 dự án) phải tiếp tục thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả 6 tháng cuối năm 2023: Giảm 261 dự án so với giữa năm 2023 (293 dự án). Dự kiến hoàn thiện xong trong tháng 12/2023.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án
Đối với 9 dự án, nhóm dự án được HĐND TP. Hà Nội chất vấn, tái chất vấn tại kỳ họp thứ 12 của HĐND TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và hoàn thành đúng theo tiến độ đã cam kết.
Cụ thể, hoàn thành trình HĐND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp chuyên đề tháng 9/2023 đối với 3 dự án, nhóm dự án: Cụm công trình đầu mối Liên Mạc; Cải tạo công viên Thủ Lệ, Bách Thảo, Thống Nhất; 04/08 dự án thoát nước và xử lý nước thải (03 dự án đang trình HĐND TP. Hà Nội để xem xét, phê duyệt tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP. Hà Nội; 1 dự án sẽ tiếp tục báo cáo HĐND TP. Hà Nội để đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn làm cơ sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư). Hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông; hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư tại 148 Giảng Võ, quận Ba Đình.
Các dự án còn lại, UBND TP. Hà Nội đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan nỗ lực hơn nữa đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: Giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng đối với Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa); lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Châu Can sau khi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong; lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Công viên Đống Đa tỷ lệ 1/500.
Ngoài ra vẫn còn có một số dự án, nội dung công việc chưa đảm bảo tiến độ và yêu cầu, mong muốn của HĐND TP, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tiếp tục rà soát, phân loại, đánh giá các tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết để từ đó chỉ đạo giải quyết dứt điểm.