Hòa Bình: Đã hoàn thành việc bán 39 cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập
Khẩn trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dôi dư
Báo cáo từ Sở Tài chính Hòa Bình cho biết, sau khi hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, Sở Tài chính Hòa Bình với vai trò là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 167 của tỉnh đã có văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và ngành y tế tiếp tục thực hiện rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc của các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường thị trấn, nhà văn hóa khu dân cư, trung tâm học tập cộng đồng, trạm y tế sau khi sáp nhập chưa đề xuất phương án xử lý hoặc đã đề xuất nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hòa Bình: Đã hoàn thành việc bán 39 cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập. Ảnh minh họa |
Căn cứ hướng dẫn của Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và ngành y tế đã triển khai văn bản đến các cơ quan đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Nhờ đó, việc sắp xếp các cơ sở nhà, đất sau khi sáp nhập của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được thực hiện khẩn trương, công khai, dân chủ.
Đối với cơ sở nhà, đất là Nhà văn hóa khu dân cư, Trung tâm học tập cộng đồng khi đề xuất phương án được lấy ý kiến người dân địa phương đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, Sở Tài chính Hòa Bình đã hướng dẫn UBND các huyện, thành phố khi xây dựng phương án cần tính đến việc phát huy hiệu quả sử dụng của tài sản, cần rà soát kỹ từng địa chỉ nhà, đất và xem xét nhu cầu sử dụng cho từng công trình công cộng, công trình phúc lợi xã hội tại địa phương, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở, tránh sự lãng phí tài sản công. Trường hợp xác định tài sản dôi dư, không có nhu cầu sử dụng thì xem xét xây dựng phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thu hồi nộp ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện, thành phố, Sở Tài chính Hòa Bình - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của tỉnh đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh quyết định phương án xử lý cụ thể đối với từng công trình, trụ sở như: Điều chuyển cho cơ quan, đơn vị có nhu cầu; bán tài sản trên đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp cải tạo trụ sở làm việc và tăng thu ngân sách nhà nước... đảm bảo tài sản nhà nước được quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, xử lý đúng quy định, tránh tình trạng tài sản không sử dụng để hư hỏng, xuống cấp làm thất thoát lãng phí tài sản nhà nước, góp phần phát triển văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ... của các huyện, thành phố; đồng thời trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền xem xét phương án xử lý phù hợp, UBND các huyện, thành phố phải đảm bảo tài sản dôi dư được trông coi, bảo vệ không để hư hỏng, xuống cấp.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại để không lãng phí tài sản công
Với các giải pháp đã thực hiện, từ năm 2019-2021, Sở Tài chính Hòa Bình đã trình UBND tỉnh quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 69 cơ sở nhà, đất thuộc cấp huyện, xã dôi dư sau khi sáp nhập đề xuất phương án xử lý. Trong đó có 37 cơ sở nhà đất là trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, phòng ban và 32 cơ sở hoạt động sự nghiệp. Tổng số cơ sở nhà đất đã phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá là 67 cơ sở nhà đất với tổng giá khởi điểm duyệt là 545,187 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành việc bán 39 cơ sở nhà đất với tổng diện tích đất 59.697,8m2 và 19.180,7m2 sàn xây dựng nhà; tổng giá khởi điểm đề nghị phê duyệt là 415.474.616.700 đồng; giá trúng đấu giá 447.317.187.000 đồng.
Theo báo cáo từ Sở Tài chính Hòa Bình, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp lại đối với các cơ sở nhà đất đôi dư, không có nhu cầu sử dụng, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định. Đảm bảo mọi tài sản nhà nước được sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, tránh lãng phí thất thoát./.