Tiếp tục sắp xếp lại, xử lý nhà đất để tránh lãng phí nguồn tài sản công
Tạo nguồn tài chính từ quỹ đất
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (TSC) thay thế cho một số quyết định về lĩnh vực này trước đó. Đặc biệt, để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Theo đó, việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất hướng đến mục tiêu: Chấn chỉnh và duy trì việc quản lý, sử dụng nhà, đất đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Khắc phục triệt để tình trạng sử dụng đất lãng phí làm thất thoát TSC; khai thác nguồn lực tài chính từ nhà, đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy chỉnh trang phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.
Tiếp tục sắp xếp lại, xử lý nhà đất để tránh lãng phí nguồn tài sản công. Ảnh TL minh họa. |
Đối tượng thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất bao gồm cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp (DN) cấp I, II, III hiện đang quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhằm đảm bảo việc sử dụng nhà, đất tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí TSC. “Như vậy, đối tượng thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất không chỉ áp dụng đối với DN, đơn vị sự nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa mà còn cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị” - ông Thịnh cho biết.
Ngoài ra, tại Nghị định số 150/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, Chính phủ cũng quy định cụ thể điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần là phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, từ năm 2001 đến năm 2021 đã có hàng trăm nghìn cơ sở nhà, đất với hàng triệu m2 đất được được thực hiện sắp xếp, xử lý lại. Riêng năm 2022 vừa qua, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 154 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương, đưa tổng số cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp lại trong năm 2022 là 30.632 cơ sở nhà, đất.
Ông Thịnh cũng cho biết thêm, với việc thực hiện nghiêm các quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã giúp cho các cơ quan quản lý nắm bắt số lượng, diện tích, hiện trạng sử dụng và tình trạng hồ sơ pháp lý của nhà, đất do các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức, các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, DN cấp II, cấp III đang quản lý, sử dụng. Thông qua việc sắp xếp nhà, đất, cơ bản quỹ nhà đất đã bố trí làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên có khuôn viên độc lập đã được bàn giao cho địa phương quản lý theo đúng chính sách về nhà ở, đất ờ… Đồng thời tạo nguồn tài chính từ quỹ đất để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đầu tư chiều sâu, tăng thêm năng lực sản xuất kinh doanh cho DN và bổ sung nguồn thu cho NSNN.
Sẽ có phương án cụ thể để sắp xếp lại, xử lý nhà, đất
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp và DN nhà nước thời gian qua còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc khi Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật có nhiều nội dung triển khai mới trong công tác quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý TSC theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời nắm bắt, triển khai đầy đủ các nội dung theo quy định. Hơn nữa, một số bộ, ngành chưa quyết liệt trong việc rà soát, sắp xếp xử lý TSC…
Để thúc đẩy việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp và DN nhà nước, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch cụ thể để hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý TSC là nhà, đất, trong đó quy định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành. Phân công rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ bãi bỏ điều kiện chuyển DN nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần tại Nghị định số 140/2022/NĐ- CP và Nghị định số 150/2020/NĐ- CP của Chính phủ phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa. Tách bạch việc sắp xếp nhà, đất với công tác cổ phần hóa.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, giải pháp giúp việc sắp xếp lại nhà, đất đạt hiệu quả cao hơn nữa chính là sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng các DN khi chuyển sang cổ phần hóa chỉ được áp dụng hình thức thuê dất trả tiền thuê đất hàng năm, không được chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa. Trường hợp DN không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.