Hướng dẫn phân loại hàng hóa
Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014; Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; Thông tư số 17/2021/TT-BTC ngày 26/2/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015; Căn cứ Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;
Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Tại công văn nêu trên, Công ty không cung cấp cụ thể, chi tiết thông tin về hàng hóa cũng như không cung cấp hình ảnh, tài liệu kỹ thuật của hàng hóa do đó Tổng cục Hải quan không đủ cơ sở xem xét hướng dẫn về phân loại hàng hóa.
Quy tắc 2a thuộc 6 Quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022 được quy định như sau:
“Một mặt hàng được phân loại vào một nhóm hàng thì mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện cũng thuộc nhóm đó, nếu đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đó khi đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện. Cũng phân loại như vậy đối với hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện hoặc đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện (hoặc được phân loại vào dạng hàng hóa đã hoàn chỉnh hay hoàn thiện theo nội dung Quy tắc này), nhưng chưa lắp ráp hoặc tháo rời.”
“CHÚ GIẢI QUY TẮC 2 (a)
(Các mặt hàng ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời)
Phần thứ hai của Quy tắc 2 (a) quy định hàng hóa hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện ở dạng chưa lắp ráp hoặc dạng tháo rời được phân loại cùng nhóm với hàng hóa đó đã lắp ráp. Hàng hóa thường ở dạng này do yêu cầu hoặc sự thuận tiện cho việc đóng gói, xếp dỡ hoặc vận chuyển.
Quy tắc này cũng áp dụng với hàng hóa chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện, ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời với điều kiện những mặt hàng này được phân loại như hàng hóa đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện theo phần đầu của Quy tắc này.
Theo mục đích của Quy tắc này, “hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời" là những hàng hóa mà bộ phận của chúng sẽ được lắp ráp lại với nhau bằng các dụng cụ lắp ráp (vít, bu-lông, đai ốc, ê -cu,...), hoặc ghép bằng đinh tán hoặc bằng cách hàn lại, với điều kiện những hoạt động này chỉ đơn thuần là lắp ráp.
Không tính đến sự phức tạp của phương pháp lắp ráp. Tuy nhiên, các bộ phận cấu thành không phải trải qua bất cứ quá trình gia công nào khác để sản phẩm trở thành dạng hoàn thiện. Những bộ phận chưa lắp ráp thừa ra về số lượng theo yêu cầu để hoàn thiện một mặt hàng thì sẽ được phân loại riêng.
Những trường hợp áp dụng Quy tắc này được nêu trong các Chú giải tổng quát của Phần hoặc Chương (ví dụ, Phần XVI, và Chương 44, 86, 87, và 89).
Do phạm vi của các nhóm từ Phần I tới Phần VI, Quy tắc này thường không áp dụng đối với hàng hóa thuộc những Phần này".
Trường hợp hàng hóa Công ty nhập khẩu ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời phù hợp với các nội dung dẫn trên thì phân loại theo quy tắc 2a. Khi phân loại theo quy tắc 2a, trường hợp hàng hóa được nhập khẩu từ nhiều nguồn, nhiều chuyến, làm thủ tục tại một hay nhiều cửa khẩu khác nhau (không có quy định về loại hình nhập khẩu) thì thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 14/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Đề nghị Công ty căn cứ thực tế hàng hóa nhập khẩu và các quy định nêu trên để phân loại hàng hóa và thực hiện thủ tục phù hợp. Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn theo thẩm quyền./.