Kho bạc Nhà nước: thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công vì sao chậm?
Hoạt động giải ngân vốn ĐTC trong thời gian qua đã được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm và có nhiều biện pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân. Việc giải ngân chậm vốn ĐTC của các bộ, ngành, địa phương chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, do cơ chế và do năng lực của các chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn hạn chế. Đồng thời, những cản trở, sự thiếu hụt và chưa toàn diện về cơ chế, chính sách trong việc lập kế hoạch ĐTC, trong phân bổ vốn, trong việc điều chỉnh và thực hiện vốn ĐTC đang gây khó cho hoạt động giải ngân vốn ĐTC.
![]() |
Ảnh minh họa: H.T |
Theo các chuyên gia, nguyên nhân quan trọng gây chậm trễ trong giải ngân vốn ĐTC trong khâu chuẩn bị đầu tư được địa phương phản ánh nhiều nhất là các vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đất đai, công tác giải phóng mặt bằng.
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý trong giải phóng mặt bằng như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn chưa thống nhất; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không còn phù hợp với quy hoạch mới của cấp trên (các quy hoạch của cấp trên trước đó không còn phù hợp đang phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định); về điều chỉnh chủ trương đầu tư; về thẩm quyền chuyển nhượng dự án;... gây khó khăn cho công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, công tác giao đất, thuê đất, công tác xác định tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lúa…
Thứ hai, việc tính toán giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng, đất lúa mất nhiều thời gian; giá nguyên vật liệu tăng cao; các dự án giao thông cần một khối lượng lớn đất cấp phối để phục vụ thi công nhưng thời gian xin giấy phép khai thác mỏ dài và số lượng mỏ đất đá hạn chế... cũng ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn ĐTC.
Thứ ba, công tác chuẩn bị dự án, phê duyệt dự án trong thời gian trước được thực hiện sơ sài, khiến nhiều dự án sử dụng vốn ĐTC khi được phân bổ vốn lại chưa đủ điều kiện chuẩn bị đầu tư, hoặc do thời gian chuẩn bị quá lâu, các yếu tố tác động đến hiệu quả dự án thay đổi cần chỉnh sửa, điều chỉnh quy hoạch, thiết kế nên chưa thể khởi công. Đặc biệt là các dự án vay ưu đãi ODA khi cần thực hiện điều chỉnh dự án (tổng mức đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, phạm vi dự án, thiết kế chi tiết các hạng mục xây lắp...); gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay phải tuân theo quy định của các Nghị định liên quan đến vay vốn, sửa đổi Hiệp định vay vốn của Chính phủ, Quy trình sửa đổi Hiệp định vay đối với các dự án cụ thể trải qua nhiều khâu, báo cáo nhiều cơ quan… nên đã kéo dài thời hạn giải ngân.
Thứ tư, việc bố trí, phân bổ vốn đầu tư công trong thời gian trước đây thường chậm trễ, tạo ra thói quen và sự trì chệ, chậm triển khai hoạt đông đầu tư trong các tháng đầu năm, thường chỉ được đẩy mạnh vào các tháng cuối năm. Từ cuối năm 2019 đã được giao rất sớm từ đầu năm theo kế hoạch cho các địa phương, Bộ, ngành. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn của các địa phương, Bộ ngành cho các dự án còn chậm trễ, gây bị động cho các chủ đầu tư dự án. Năm 2022, 2023 do việc ban hành văn bản quy định và phân bổ các nguồn vốn thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia chậm nên việc phân bổ một bộ phận vốn ĐTC bị chậm phân bổ cũng kéo chậm tốc độ giải ngân vốn ĐTC.
Thứ năm, nhiều chủ dự án đầu tư công chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, các các thủ tục để triển khai các công việc từ giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đàm phán với các nhà tài trợ, ký kết hợp đồng..., nên tiến trình thực hiện dự án bị chậm lại. Đồng thời, khi xây dựng các dự án để vay vốn ưu đãi của các tổ chức quốc tế và các nước tài trợ, các địa phương tỉnh, thành phố đã cam kết sẽ bố trí đủ vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng. Nhưng đến khi có dự án, lại gặp nhiều khó khăn về vốn đối ứng, gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Kho bạc Nhà nước đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Mới đây, Kho bạc Nhà nước vừa có Công văn số 1660/KBNN-KSC yêu cầu toàn hệ thống thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Tại công văn, Kho bạc Nhà nước (KBNN) yêu cầu Giám đốc Sở Giao dịch KBNN, Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, chỉ đạo Phòng Kiểm soát chi và KBNN cấp huyện trực thuộc thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ đến toàn thể công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi vốn đầu tư công thuộc Phòng Kiểm soát chi và KBNN cấp huyện trực thuộc.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 7143/CT-KBNN ngày 13/12/2023 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước về tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN, giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, đáp ứng nhu cầu chi trả ngân sách trong tháng cuối năm 2023 và năm 2024 và Công văn số 442/KBNN-KSC ngày 23/1/2024 của KBNN về tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, ban quản lý dự án nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2024.
Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư, cơ quan tài chính đồng cấp trong thực hiện nhập, phê duyệt kế hoạch vốn vào TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) theo quy định, làm cơ sở để triển khai, thực hiện, kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc đẩy mạnh giao dịch điện tử qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN, kịp thời thanh toán khối lượng ngay khi có khối lượng hoàn thành của các dự án, tránh tình trạng có khối lượng hoàn thành nhưng chưa thể thực hiện thanh toán.
Đồng thời, tuân thủ đúng quy định về hồ sơ, về kiểm soát thanh toán và quyết tâm, phấn đấu thời hạn giải quyết hồ sơ sớm hơn thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
KBNN đề nghị KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, báo cáo, đề xuất kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân hoặc đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến để tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
“Trong quá trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công, các đơn vị KBNN phải kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, phải khẩn trương tổng hợp và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết” - công văn của KBNN nêu rõ.
Ngoài ra, công văn của KBNN cũng yêu cầu các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống thực hiện đối chiếu số liệu giải ngân vốn đầu tư công hằng ngày giữa các hệ thống TABMIS, ĐTGD-KB (Chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư) và Chương trình tổng hợp báo cáo để chuẩn xác, thống nhất số liệu hàng ngày.
Đồng thời, các đơn vị KBNN phải quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng thời gian theo quy định. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu và chất lượng báo cáo hàng ngày, báo cáo định kỳ hàng tháng của đơn vị./.
Tin cùng chuyên mục

Yêu cầu nhanh chóng rà soát, phân loại quỹ nhà, đất không sử dụng

Tổng kiểm kê tài sản công: Đã hoàn thành giai đoạn kiểm đếm thực tế

Tiêu chí lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công

TP. Hồ Chí Minh: Làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị không hoàn thành giải ngân đầu tư công

Nhiều bộ, ngành, địa phương gần “về đích” kiểm kê tài sản công
Tin khác

EU sẽ không áp dụng các biện pháp phòng thủ về thuế và phi thuế đối với Việt Nam

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công

Kiểm tra công tác tổng kiểm kê tài sản công tại 16 địa phương

Tăng mức phạt vi phạm hành chính để bảo vệ người tiêu dùng

Một số bộ, địa phương thực hiện tốt công tác tổng kiểm kê tài sản công

Chính phủ yêu cầu sắp xếp lại văn phòng đại diện, nhà khách của bộ, cơ quan trung ương tại TP. Hồ Chí Minh

Khẩn trương rà soát, tháo gỡ các dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài

Nhiều điểm sáng trong bức tranh nợ công

Người nộp thuế không mua, bán, sử dụng hóa đơn điện tử không hợp pháp dưới mọi hình thức
